Bất ngờ nguồn năng lượng xanh từ cát

Bất ngờ nguồn năng lượng xanh từ cát

18/07/2022

Một nhóm kỹ sư trẻ người Phần Lan đã hoàn thành việc lắp đặt thương mại loại pin làm từ cát có thể lưu trữ năng lượng với chi phí tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Bất ngờ nguồn năng lượng xanh từ cát - Ảnh 1.

Hình ảnh pin cát tại thị trấn Kankaanpää (Phần Lan) – Ảnh: BBC

Nhóm kỹ sư trẻ đến từ thị trấn Kankaanpää (Phần Lan) đã tạo ra pin từ khoảng 100 tấn cát bên trong một tháp rỗng, nơi được dùng để tích trữ năng lượng mặt trời hoặc gió.

Theo Đài BBC, trong quá trình tích trữ năng lượng, nguồn điện từ gió và mặt trời sẽ khiến lớp cát nóng lên đến 500 độ C. Từ đó tạo ra một dòng khí nóng luân chuyển bên trong thùng rỗng và trở thành một cục pin lưu trữ năng lượng.

Dòng khí nóng sẽ được xả ra khi cần sử dụng, nhằm làm ấm nước dùng cho các hộ gia đình tại Phần Lan vào mùa đông lạnh giá.

Một chuyên gia về năng lượng và khí hậu của thị trấn Kankaanpää, bà Elina Seppänen, cho biết: “Pin cát giúp ích rất nhiều về mặt chi phí sưởi ấm vào mùa đông lạnh giá. Vì nguồn điện thông thường sẽ rất đắt đỏ trong khoảng thời gian này”.

Trên thực tế, đây là sáng kiến tiết kiệm hơn rất nhiều khi sử dụng pin được sản xuất bằng lithium, vốn có kích thước và chi phí sử dụng ‘khủng’ hơn.

Pin cát cũng giúp bổ sung một nguồn dự trữ năng lượng cần thiết vào những ngày không có nắng và gió, đồng thời giúp giải quyết vấn đề tăng sử dụng nguồn năng lượng từ nhiên liệu đốt hóa thạch, nhân tố gây ra hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Thách thức hiện nay của nhóm kỹ sư trẻ tạo ra pin cát là mở rộng quy mô của sản phẩm này trong tương lai, cũng như giúp tạo ra nguồn điện và nhiệt bên cạnh các nguồn thông thường.

HOÀI NHÂN
Hàng chục con rùa biển xanh quý hiếm thoi thóp trôi vào đảo Nhật, có vết đâm ở cổ

Hàng chục con rùa biển xanh quý hiếm thoi thóp trôi vào đảo Nhật, có vết đâm ở cổ

18/07/2022

Vụ việc vẫn đang được nhà chức trách làm rõ nhưng theo truyền thông địa phương, nguyên nhân có thể liên quan trực tiếp đến các ngư dân do xung đột lợi ích.

Hàng chục con rùa biển xanh quý hiếm thoi thóp trôi vào đảo Nhật, có vết đâm ở cổ - Ảnh 1.

Những con rùa biển không may gặp nạn tại Okinawa – Ảnh: Ryukyu Shimposha

Theo tờ The Mainichi (Nhật Bản), chính quyền tỉnh Okinawa đang vào cuộc xác minh vụ hơn 30 con rùa biển xanh gặp nạn thuộc khu vực đảo Kumejima, tỉnh Okinawa.

Phần lớn số rùa trên đang trong tình trạng thoi thóp, một số con đã chết hẳn. Đặc biệt, nhiều con bị thương nặng ở vùng cổ, thấy rõ những vết đâm bởi một vật sắc bén như dao.

Chính quyền Kumejima thông tin thêm rùa biển được tìm thấy ở phía đông của hòn đảo vào đầu giờ chiều 14-7, cách bờ khoảng 50m khi thủy triều rút. Một vài con còn vướng vào lưới đánh cá của ngư dân khi được tìm thấy.

Sở Cảnh sát thành phố Naha thuộc tỉnh Okinawa đã điều động chuyên viên đến hiện trường để kiểm tra tình hình.

Sau khi thăm khám, các chuyên gia nhận định hầu hết số rùa nguy kịch do mất nhiều máu. Nguyên nhân của vụ việc vẫn đang được điều tra.

Hàng chục con rùa biển xanh quý hiếm thoi thóp trôi vào đảo Nhật, có vết đâm ở cổ - Ảnh 2.

Vị trí đảo Kumejima, nơi xảy ra vụ việc – Ảnh: GOOGLE MAP

Kumejima là một hòn đảo xa xôi ở phía tây của đảo chính Okinawa. Theo chuyên gia thuộc Bảo tàng rùa biển Kumejima, vị trí phát hiện những con rùa gặp nạn là khu vực nhiều tảo biển. Vì vậy, có thể rùa đến đây để tìm thức ăn.

Một nhân viên thuộc Bảo tàng rùa biển Kumejima cho rằng một vài con trong số hơn 30 con rùa không may trên phải chịu những vết thủng lớn ở cổ. Theo ông, những vết thương này không thể tự nhiên mà có như vậy.

Tờ The Ryukyu Shimpo cũng ghi lại được chia sẻ của một người dân địa phương ẩn danh, thừa nhận rằng những ngư dân trên đảo nhiều khả năng liên quan đến vụ việc. Người này giải thích “có những tình huống, chúng tôi phải giết rùa để bảo vệ cá”.

Một ngư dân khác cho rằng rùa biển thường phá hoại môi trường sống tự nhiên của loài tảo biển mozuku nổi tiếng. Ông cho rằng các gia đình ở đây đều chịu thiệt hại ít nhiều bởi rùa.

Cũng theo tờ The Ryukyu Shimpo, rùa biển xanh được cả Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Bộ Môi trường Nhật xem là loài có nguy cơ tuyệt chủng. Dù vậy, chúng không nằm trong danh sách được bảo vệ theo Luật bảo tồn loài và Pháp lệnh bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm của tỉnh Okinawa.

Tuy nhiên, do số lượng rùa biển gặp nạn trong vụ này rất lớn nên các cơ quan chức năng ở Okinawa đang dành sự quan tâm đặc biệt.

Hàng chục con rùa biển xanh quý hiếm thoi thóp trôi vào đảo Nhật, có vết đâm ở cổ - Ảnh 3.

Rùa biển ở Okinawa – Ảnh: OHH.OKINAWA

Ngoài xung đột lợi ích với các ngư dân, những năm gần đây, rùa biển xanh ở Okinawa còn chịu rủi ro từ rác thải trên biển. Các chuyên gia ở thủy cung Okinawa Churaumi cho biết từ năm 1990 đến 2019, họ đã khám nghiệm 484 xác rùa biển trôi dạt vào các bãi biển Okinawa. Phân tích kỹ đường tiêu hóa của rùa, nhóm nghiên cứu nhận thấy khoảng 20% rùa biển chết đã ăn phải các mảnh vụn rác thải đại dương, từ nhựa vinyl, dây thừng đến dây câu cá.

Thậm chí, có loài rùa ghi nhận tỉ lệ cứ 4 con thì 1 con ăn phải những mảnh rác thải trôi nổi trên biển.

HOÀNG THI
Tìm thấy nước 1,2 tỉ năm tuổi có nồng độ nguyên tố phóng xạ cao chưa từng thấy

Tìm thấy nước 1,2 tỉ năm tuổi có nồng độ nguyên tố phóng xạ cao chưa từng thấy

18/07/2022

Một nhóm nghiên cứu đã tìm thấy nước có nồng độ nguyên tố phóng xạ ở độ sâu 3km bên dưới mỏ vàng và uranium tên Moab Khotsong (Nam Phi), nguồn nước này ít nhất 1,2 tỉ năm tuổi.

Tìm thấy nước 1,2 tỉ năm tuổi có nồng độ nguyên tố phóng xạ cao chưa từng thấy - Ảnh 1.

Tiến sĩ Warr đang khảo sát nguồn nước ngầm ở mỏ Moab Khotsong (Nam Phi) – Ảnh: IFLSCIENCE

Các vùng nước bên dưới Moab Khotsong có nồng độ các nguyên tố do phóng xạ phân rã tạo ra cao chưa từng thấy từ trước đến nay, theo trang tin khoa học IFLScience.

Tiến sĩ Oliver Warr của Đại học Toronto (Canada) và các đồng tác giả đã tìm thấy nước trong các khối đá kết tinh ở độ sâu 3km dưới bề mặt. Họ lưu ý những tảng đá này bao phủ ước tính 72% vỏ Trái đất theo diện tích bề mặt. Đồng thời có thể chiếm tới 30% lượng nước ngầm của Trái đất.

Nguồn nước này chứa các yếu tố cho phép sự sống tồn tại mà không cần tiếp cận với năng lượng Mặt trời.

Phản ứng giữa nước và một số loại đá tạo ra khí hydro ở đây. Mặc dù sản xuất chậm trên một diện tích lớn, phản ứng này theo thời gian có thể tạo ra một lượng khí khổng lồ, cung cấp nguồn năng lượng chính cho vi khuẩn hoặc con người nếu khai thác nó.

Một số khí hydro sinh ra phản ứng với carbon để tạo ra methane và các hydrocarbon phức tạp hơn, mở rộng phạm vi vi sinh vật có thể được hỗ trợ. Đồng thời, sự phân rã phóng xạ của các đồng vị không ổn định sẽ tạo ra các hạt alpha (hạt nhân helium).

Trong khi đó uranium, thorium và kali trong các tảng đá xung quanh tiếp tục phân hủy để tạo ra các nguyên tố nhẹ hơn, bao gồm các khí quý như helium, neon và argon.

“Hãy coi nguồn nước cổ đại như một chiếc hộp Pandora chứa năng lượng sản xuất helium và hydro – một ‘chiếc hộp’ mà chúng ta có thể học cách khai thác trên quy mô toàn cầu”, ông Warr cho biết trong một tuyên bố.

Đây là mỏ nước ngầm thứ 2 được phát hiện có tuổi đời hơn 1 tỉ năm.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng giữa mỏ Moab Khotsong mới tìm thấy với mỏ Kidd Creek của Canada phát hiện năm 2016: nước ngầm tại mỏ Kidd Creek bị cô lập hoàn toàn và tại mỏ Moab Khotsong, nước cũng không thể thoát ra, nhưng các khí quý nhẹ hơn đã khuếch tán qua các tảng đá để thoát ra ngoài. Điều này dẫn đến sự khác biệt rất lớn về nồng độ các nguyên tố giữa 2 mỏ.

GIA MINH
Nguồn: https://tuoitre.vn/tim-thay-nuoc-1-2-ti-nam-tuoi-co-nong-do-nguyen-to-phong-xa-cao-chua-tung-thay-20220708154701383.htm
Thông cổ thụ tại đồi cỏ hồng Đak Đoa chết hàng loạt

Thông cổ thụ tại đồi cỏ hồng Đak Đoa chết hàng loạt

18/07/2022

Mùa mưa ở Tây Nguyên đã được mấy tháng, những thảm cỏ bắt đầu xanh trên các thảm rừng. Thế nhưng, tại đồi cỏ hồng huyện Đak Đoa, Gia Lai có một khu rừng thông ngả màu đỏ quạch. Những cây thông ba lá chết hàng loạt.

Thông cổ thụ tại đồi cỏ hồng Đak Đoa chết hàng loạt - Ảnh 1.

Rừng thông Đak Đoa chết hàng loạt khi Tập đoàn FLC triển khai di thực thông – Ảnh: H.C.Đ

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online ngày 17-7, ông Ksor Hân (67 tuổi, trú thị trấn Đak Đoa) cho biết cách đây hơn 40 năm, ông đã tham gia công tác thanh niên góp sức trồng nên những cây thông trong khu rừng này.

“Trước ai muốn đến rừng thông chơi cũng được. Cả thế hệ chúng tôi và các thế hệ khác đã cùng nhau giữ gìn những hàng thông ấy”, ông Hân kể và cho hay khi biết dự án sân golf và khách sạn nhà hàng của Tập đoàn FLC mọc lên trên đồi thông ai cũng buồn.

“Di thực kiểu gì lạ vậy?”

“Khi dự án của FLC triển khai, cả một không gian rộng lớn bị khóa lại. Bãi cỏ đẹp nhất rừng thông bị máy móc đào bới để thay vào những bê tông. Mùa khô năm ngoái, khi cỏ hồng đẹp nhất, đã không ai còn được nhìn ngắm khung cảnh tuyệt đẹp kỳ vĩ như vậy nữa”.

Nhắc tới những cây thông chết khi bị di dời, ông Ksor Hân thở dài: “Trước đọc trên báo có vị cán bộ nói sẽ dùng công nghệ để di thực thông đi nơi khác. Đến khi dự án triển khai mới thấy khác quá.

Mấy năm gần đây nổi lên việc trộm vào rừng thông nhắm những thân cây có thế đẹp đào quanh gốc chặt rễ, xong dùng lưới bó đất lại lấp đất lên chờ rễ non ra, sau đó lợi dụng đêm tối chạy xe tải vào cẩu đi bán.

Nay công ty di thực thông cũng làm tương tự vậy, chỉ khác công nhân đào chặt công khai. Tôi nói với mấy người bạn cán bộ hưu trí ‘làm mới lâu chứ phá mấy tí’. Cái trò di thực thông như ăn trộm thế kia thì thông chết là đúng”.

Thông cổ thụ tại đồi cỏ hồng Đak Đoa chết hàng loạt - Ảnh 2.

Những thân thông bị đốn hạ còn trơ gốc. Diện mạo đồi cỏ hồng nổi tiếng ở Gia Lai đã bị băm nát – Ảnh: H.C.Đ

Thông cổ thụ tại đồi cỏ hồng Đak Đoa chết hàng loạt - Ảnh 3.

Thông chết khô trên thảm cỏ mùa mưa tươi tốt ở Gia Lai – Ảnh: H.C.Đ

Thông cổ thụ tại đồi cỏ hồng Đak Đoa chết hàng loạt - Ảnh 4.

Một vị trí thông chết được cưa thành đống chất cao – Ảnh: H.C.Đ

Tạm dừng dự án

Liên quan đến dự án sân golf Đak Đoa, một cán bộ chức năng tỉnh Gia Lai cho biết hiện dự án đã triển khai các hạng mục xây dựng hệ thống đường golf, đường giao thông, móng bê tông làm nhà và hệ thống thoát nước trong khu vực dự án.

Tuy nhiên, mấy tháng gần đây UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng hoạt động thi công, xây dựng, di thực thông. Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cũng đã kiểm tra hiện trạng di thực cây thông vì đã để xảy ra việc thông di thực chết hàng loạt.

Theo phê duyệt, dự án sân golf Đak Đoa có tổng mức đầu tư 1.142 tỉ đồng, được thực hiện tại thị trấn Đak Đoa, xã Glar và xã Tân Bình (huyện Đak Đoa) do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Mục tiêu đầu tư xây dựng sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án có quy mô 174,01ha, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Thời gian hoạt động dự án 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự kiến quý 4-2024 khai thác đi vào sử dụng.

Trước khi rừng thông được chuyển cho nhà đầu tư triển khai dự án, ngày 7-12-2017, ông Dương Văn Trang (chủ tịch HĐND tỉnh, nay là bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum) đã ký nghị quyết thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Rừng thông Đak Đoa là một trong những diện tích rừng được đưa ra khỏi quy hoạch rừng.

Thông cổ thụ tại đồi cỏ hồng Đak Đoa chết hàng loạt - Ảnh 5.

Công trường dự án sân golf tại Gia Lai đã ngừng thi công – Ảnh: H.C.Đ

UBND tỉnh Gia Lai báo cáo không trung thực

Trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 1-4-2021 nêu rõ UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định, chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Thế nhưng, tại kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương ngày 14-7 cho biết Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai đã “báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa”.

HUỲNH CÔNG ĐÔNG
Nguồn: https://nhadat.tuoitre.vn/thong-co-thu-tai-doi-co-hong-dak-doa-chet-hang-loat-20220717182344412.htm
FPT Long Châu và Sanofi xử lý rác thải từ bút tiêm insulin

FPT Long Châu và Sanofi xử lý rác thải từ bút tiêm insulin

11/07/2022

FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam triển khai dự án phát triển bền vững nhằm hướng đến mục tiêu giảm rác thải nhựa từ bút tiêm insulin đã qua sử dụng.

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia ước tính, mỗi năm có đến 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Đối với bệnh nhân đái tháo đường, bút tiêm insulin là giải pháp điều trị cần thiết trong giai đoạn bệnh tiến triển. Loại bút này được thiết kế để giúp người bệnh có thể tiêm insulin một cách đơn giản và thuận tiện tại nhà. Tuy nhiên, theo báo cáo của IMS Health về tổng số lượng bút tiêm insulin được tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2021 cho thấy đã có 9,6 triệu bút được bán ra thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đã thải ra 235 tấn rác thải nhựa cho môi trường sống.

Nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa từ bút tiêm insulin, Công ty Cổ phần dược phẩm FPT Long Châu và Công ty Cổ phần Sanofi-Aventis Việt Nam (Sanofi Việt Nam) đã ký kết biên bản hợp tác triển khai dự án “Thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin”. Đây là dự án phát triển bền vững được hai bên triển khai nhằm hướng đến mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa. Đồng thời, cả hai đơn vị cũng mong muốn tạo ra giải pháp xử lý đúng cách bút tiêm insulin đã qua sử dụng. Trong buổi lễ ký kết còn có sự góp mặt của các lãnh đạo cấp cao từ tập đoàn Sanofi như ông Marc-Antoine Lucchini – Giám đốc ngành hàng Thuốc tổng quát toàn cầu.

FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án Thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin. Ảnh: FPT Long Châu

FPT Long Châu và Sanofi Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai dự án “Thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút tiêm insulin”. Ảnh: FPT Long Châu

Bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail, kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu, chia sẻ: “Thông qua dự án thu gom và xử lý rác thải nhựa từ bút insulin, FPT Long Châu mong muốn lan tỏa thông điệp về tầm quan trọng của việc thu gom và phân loại rác thải nhựa đúng cách, đặc biệt là rác thải y tế. Với sự hỗ trợ từ Sanofi Việt Nam, chúng tôi kỳ vọng dự án có thể phát triển xa hơn với quy mô toàn quốc; từ đó nhân rộng những giá trị tốt đẹp đến với cộng đồng”.

Theo ông Emin Turan – Giám đốc điều hành Ngành hàng Thuốc tổng quát – Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam, việc góp phần bảo vệ hành tinh là một trong bốn mục tiêu hàng đầu của Sanofi trong chiến lược tác động xã hội của tập đoàn. Vì thế, ông hy vọng ý tưởng này sẽ được cộng đồng bệnh nhân sử dụng bút tiêm insulin ủng hộ. Qua đó, giúp dự án có thể phát triển rộng hơn và tạo nên một thói quen thân thiện với môi trường.

Ông Emin Turan - Giám đốc điều hành Ngành hàng Thuốc tổng quát – Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam và bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail, kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu. Ảnh: FPT Long Châu

Ông Emin Turan – Giám đốc điều hành Ngành hàng Thuốc tổng quát – Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam và bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail, kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu. Ảnh: FPT Long Châu

Trong giai đoạn thử nghiệm, dự án sẽ triển khai thí điểm tại các chuỗi cửa hàng FPT Long Châu tại TP HCM từ tháng 07/2022 và kéo dài trong một năm. Theo đại diện FPT Long Châu, mục tiêu của giai đoạn này là thu gom và xử lý đúng cách 90.000 bút tiêm insulin đã qua sử dụng, tương đương với việc giảm thiểu 2,3 tấn rác thải nhựa.

Huyền My

Đảo du lịch Jeju nói không với cốc dùng một lần

Đảo du lịch Jeju nói không với cốc dùng một lần

28/06/2022

Mặc dù đồ dùng một lần vẫn được coi là nguồn rác thải tái chế thông qua thu gom riêng biệt song tỷ lệ tái chế thực tế rất thấp do quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn.

Đảo du lịch Jeju nói không với cốc dùng một lần - Ảnh 1.

Gian hàng Jeju Angel Car Blue Cup với các cốc đựng đồ uống bằng inox sơn màu xanh. Ảnh: blog.naver.com

Đồ dùng một lần chỉ mất 5 giây để tạo ra và 5 phút để sử dụng rồi vứt bỏ nhưng sẽ mất hơn 500 năm để phân hủy. Mặc dù vẫn được coi là nguồn rác thải tái chế thông qua thu gom riêng biệt song tỷ lệ tái chế thực tế rất thấp do quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn.

Đây chính là lý do nhóm khởi nghiệp mang tên ‘Jeju Blue Cup’ (cốc đựng đồ uống bằng inox sơn màu xanh) được Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc chọn là dự án hỗ trợ doanh nhân xã hội vào năm 2021, cung cấp dịch vụ cho khách du lịch mượn cốc đa dụng khi đến thăm, hòn đảo Jeju xinh đẹp. Dự án đặc biệt ‘có một không hai’ ở Jeju được khởi nguồn từ việc hòn đảo này đón trung bình hơn 15 triệu khách du lịch mỗi năm và theo đó 1.856 quán cà phê ở đây đã và đang ‘đóng góp’ cho Jeju khoảng 63 triệu chiếc cốc đựng đồ uống dùng một lần, đứng đầu cả nước với 25,4 bậc trên 10.000 dân (mức trung bình của cả nước là 14,7 bậc).

Với loại hình dịch vụ thân thiện với môi trường này, du khách khi đến đảo Jeju dễ dàng tìm và thuê ‘Blue Cup’ tại các quán cà phê tham gia và cửa hàng thân thiện với môi trường trên khắp đảo. Chỉ bằng động tác sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR, du khách có thể thuê và trả ‘Blue Cup’ ở các địa điểm khác nhau trên đảo Jeju. Hơn nữa, du khách sử dụng “Blue Cup” khi mua đồ uống tại tất cả các cửa hàng tham gia dự án này còn được hưởng chiết khấu rất thỏa đáng.

Thời gian gần đây, khi phong trào không sử dụng cốc dùng một lần đã xuất hiện tại nhiều sự kiện khác nhau, ngày càng có nhiều quán cà phê tham gia ‘Jeju Blue Cup’. Theo bà Han Jeong-hee, Giám đốc điều hành dự án ‘Jeju Blue Cup’, do việc tái chế cần rất nhiều năng lượng và quy trình phức tạp nên việc tái sử dụng Blue sẽ dần trở nên phổ biến hơn.

Sau khi thử nghiệm loại hình dịch vụ mới mẻ này từ năm 2021 tại Sân bay Quốc tế Jeju, từ số lượng 30 ban đầu tính đến hết tháng 4/2022 đã có hơn 900 quán cà phê tham gia dự án ‘Jeju Blue Cup’, góp phần giảm hơn 2.500 cốc dùng một lần trong năm 2021. Đây thực sự còn là một sự trợ giúp tuyệt vời cho việc bảo vệ môi trường khi có tới 98% người được hỏi khẳng định sẽ sử dụng lại ‘Blue Cup’. Đặc biệt, trước câu hỏi về lý do tái sử dụng ‘Blue Cup’, nhiều người đã trả lời ‘vì có thể tham gia bảo vệ môi trường Jeju’.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Miệng cống bị ‘bức tử’ vì đầy rác, cỏ dại, đất cát… nước thoát đường nào?

Miệng cống bị ‘bức tử’ vì đầy rác, cỏ dại, đất cát… nước thoát đường nào?

28/06/2022

Rác bít kín lối thoát nước, nhiều miệng cống bị lèn đá, đất cát ken đặc, thậm chí cỏ dại mọc um tùm khiến nước không thể thoát. Đây là một trong những nguyên nhân gây ngập tại TP.HCM sau những cơn mưa lớn.

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 1.

Người dân TP hay than trời vì mỗi khi trời mưa các con đường bị ngập nặng. Ngập một phần do hệ thống cống thoát quá tải, nhiều dự án chống ngập vẫn chưa hoàn thành, nhưng một nguyên nhân khác do chính ý thức người dân gây nên.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại nhiều tuyến đường ở các quận huyện và TP Thủ Đức, các cống thoát nước bị “bức tử” với muôn cách thức.

Ngoài ngổn ngang túi nilông, chai nhựa, hộp xốp vứt quanh miệng cống; miệng cống còn bị bịt kín bằng gạch đá, ván gỗ, vải bạt…, thậm chí người dân còn tự cải tạo lại miệng cống thành lối để chạy xe từ đường lên vỉa hè.

Một người dân sống trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 (một tuyến đường thường xuyên ngập do mưa) cho biết vì ống cống bốc mùi ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên bịt lại cho bớt mùi. “Quanh đây có rất nhiều miệng cống khác, bịt một ống này cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đâu”, người này lý giải về hành động của mình.

Còn tại đường Linh Đông, TP Thủ Đức có hàng chục miệng cống không còn lối thoát cho nước do đất cát bít bùng hay cỏ dại mọc um tùm.

Một số miệng cống khác nhầy nhụa dầu mỡ từ các quán ăn đổ xuống. Theo chia sẻ của các công nhân thoát nước, nhiều hầm ga tại các khu vực có nhiều quán ăn thường có dầu mỡ kết lại không tan khiến nước không thể chảy. Đây cũng là nỗi ám ảnh của anh em công nhân thoát nước vì dầu mỡ vừa hôi vừa khó xử lý.

Về vấn đề này, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nhận định vấn nạn xâm lấn miệng thoát nước khiến trung tâm “nhức đầu” xử lý.

Phía trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước; không lấp, bít và bỏ rác thải ở các miệng thu nước để đảm bảo khả năng thoát nước; ngoài ra cũng tuyên truyền không xả rác và chất thải rắn xuống lòng các tuyến kênh, rạch để gây cản trở dòng chảy.

Trung tâm còn tăng cường kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp chế tài, xử lý đối với trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống nhưng tình trạng trên vẫn còn tồn tại.

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 2.

Miệng cống tại đường Linh Đông, TP Thủ Đức không còn lối thoát cho nước

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 3.

Miệng cống tại khu vực chợ Thủ Đức bị che bít bùng, khu vực này cứ mưa là thành “chợ nổi” vì ngập

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 4.

Miệng cống như vầy thì nước thoát đi đâu?

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 5.

Một miệng cống đã lâu không được dọn dẹp tại quốc lộ 13, quận Bình Thạnh

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 6.

Rác rến, dầu mỡ, thức ăn thừa… che gần hết miệng cống trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 7.

Một miệng cống vừa bị bao bố che, vừa bị lèn bằng khối bêtông lớn trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 8.

Rác đủ loại bủa vây một miệng cống trên đường Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 9.

Nhiều người còn có tâm lý mình chắn một cái miệng cống cũng không ảnh hưởng gì

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 10.

Hàng ngàn miệng cống trên địa bàn TP.HCM bị xâm lấn bằng đủ cách

Miệng cống bị bức tử vì đầy rác, cỏ dại, đất cát... nước thoát đường nào? - Ảnh 11.

Rác, dép… bít cả cống thoát nước trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp

 

LÊ PHAN – PHƯƠNG QUYÊN – LƯU DUYÊN
Nguồn: https://tuoitre.vn/mieng-cong-bi-buc-tu-vi-day-rac-co-dai-dat-cat-nuoc-thoat-duong-nao-2022062713075864.htm
Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống

24/06/2022

Tạp chí National Geographic mới đây công bố loạt ảnh “có một không hai” ghi lại những cảnh quan thiên nhiên kỳ ảo và hùng vĩ của nhiếp ảnh gia người Pháp Olivier Grunewald và nhà bảo tồn, nhà văn Bernadette Gilbertas.

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 1.

Vùng trũng địa chất Danakil ở Ethiopia – nơi được mệnh danh là “cánh cổng địa ngục” hay “vùng đất chết”. Theo nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald, nguồn gốc của sự sống xuất hiện cách đây hơn 3,5 tỉ năm ở môi trường ngập nước do hoạt động của núi lửa. Điều này được thể hiện thông qua kết quả của hoạt động kiến tạo địa chất tại khu vực Danakil. Trong ảnh là các bể chứa tinh thể màu xanh lam và xanh lục, các bậc thang chứa hợp chất lưu huỳnh màu vàng và các mạch nước ngầm do sự phun trào của núi lửa – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Theo kênh National Geographic, những bức ảnh này đưa chúng ta vào một hành trình “xuyên không gian và thời gian” về giai đoạn sơ khai của nền văn minh nhân loại.

Đồng thời, thông qua dự án “Nguồn gốc”, nhiếp ảnh gia người Pháp Olivier Grunewald mong muốn truyền tải thông điệp về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Trong 30 năm qua, ông và người bạn Bernadette Gilbertas đã đi khắp thế giới để ghi lại những địa điểm thể hiện rõ nét nhất quá trình hình thành sự sống của nền văn minh nhân loại.

“Chúng ta phải mất 4,5 tỉ năm để có thể chứng kiến những gì được nhìn thấy ở hiện tại. Vậy nên, bây giờ chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc khủng hoảng sinh thái, hay cuối cùng chúng ta sẽ cùng nhau ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy đến?”, ông Grunewald bày tỏ.

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 2.

Những giọt mưa từ cơn mưa rào buổi sáng ở vùng đất ngập nước Pantanal của Brazil tô điểm cho loài thủy sinh tai tượng (Salvinia auriculata), một loài dương xỉ sống dưới nước có nguồn gốc từ Rio Negro. Nguồn gốc của giới thực vật ngày nay có thể được bắt nguồn từ loài tảo cổ đại – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 3.

Ánh bình minh ló dạng trên vách đá ở Toroweap Point nằm tại trung tâm Công viên quốc gia Grand Canyon, bang Arizona (Mỹ). Các mặt cắt của một hẻm núi đối diện với sông Colorado tiết lộ 2 tỉ năm lịch sử địa chất – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 4.

Những tảng băng trôi trên hồ băng Jökulsárlón của Iceland dưới tán cây cực quang huyền ảo. Các ánh sáng cực quang ở Jökulsárlón xuất hiện khi những cơn gió va chạm với từ quyển của Trái đất. Đây là vùng không gian giúp che chắn Trái đất khỏi bức xạ mặt trời – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 5.

Ở kỷ nguyên sinh, hoạt động kiến tạo của núi lửa đã hình thành các mảng dung nham trên cạn. Nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald đã ghi lại một khoảnh khắc mô phỏng quá trình đó thông qua hoạt động phun trào của núi lửa Nyiragongo, nằm trên dãy núi Virunga của Cộng hòa Dân chủ Congo – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 6.

Vào lúc bình minh, một đám mây mỏng kéo dài trên Uluru, một sa thạch nhô lên ở trung tâm nước Úc, được hình thành cách đây hơn 500 triệu năm. Tảng đá cao 863m vô cùng linh thiêng đối với thổ dân trong khu vực – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 7.

Khoảng 5 triệu năm trước, quá trình kiến tạo địa chất ở sông Colorado đã tạo nên vách đá sa thạch này. Đây là vách đá nổi tiếng có tên Horseshoe Bend nằm gần thị trấn Page, bang Arizona (Mỹ) – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 8.

Sông băng Eyjafjallajökull ở Iceland chuyển màu từ trắng xanh sang đen đậm do hoạt động phun trào của núi lửa. Cột khói khổng lồ sau đó đã lan sang không phận các nước châu Âu vào năm 2010 – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Xuyên không gian, thời gian tìm về nguồn gốc sự sống - Ảnh 9.

Rạn san hô Hardy nhìn từ trên cao. Đây là một phần của cụm rạn san hô Great Barrier Reef nổi tiếng trải dài ngoài khơi bang Queensland của Úc, kéo dài từ các đảo của Papua New Guinea về phía bắc, với chiều dài hơn 2.600km – Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/OLIVIER GRUNEWALD

Bộ sưu tập hình ảnh của nhiếp ảnh gia Olivier Grunewald được chia theo bốn chủ đề:

Chủ đề 1: “Hỗn loạn”, tập trung phản ánh nguồn gốc hỗn loạn của hành tinh.

Chủ đề 2: “Trái đất”, tập trung vào các cảnh quan được tạo nên bởi các lực ăn mòn.

Chủ đề 3: “Ốc đảo”, đại diện cho sự phát triển của giới thực vật.

Chủ đề 4: “Động vật”, tôn vinh sự đa dạng sinh học của thế giới động vật.

Nguồn: https://tuoitre.vn/xuyen-khong-gian-thoi-gian-tim-ve-nguon-goc-su-song-20220623191940122.htm
Phát triển kinh tế song hành bảo vệ môi trường

Phát triển kinh tế song hành bảo vệ môi trường

24/06/2022

Song song với sự phát triển kinh tế thì đảm bảo môi trường là việc phải làm. Khi có các dự án, chương trình thì TP phải triển khai ngay và luôn, vì càng để lâu càng phát sinh những hệ lụy, kinh phí khi thực hiện sẽ tăng…

Diễn đàn Môi trường nơi tôi sống: Phát triển kinh tế song hành bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM, đưa ra nhận định như trên về tình hình thực hiện các dự án môi trường tại TP. Năm 2022, TP phải tập trung xử lý nhanh ở nhiều lĩnh vực.

* Nhiều dự án lớn về cải tạo kênh rạch, chống ngập vừa được HĐND TP thông qua, trong đó có hai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm – Văn Thánh và kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, ông có thể phân tích các điểm cần lưu ý về hai dự án này nói riêng và việc cải tạo kênh rạch tại TP.HCM nói chung?

– Có thể chia các dự án cải tạo kênh rạch tại TP làm 2 phần: dưới nước và trên bờ. Trước khi thực hiện cải tạo phải có báo cáo đánh giá tổng thể chứ báo cáo giám sát không thì chưa đủ.

Đối với vấn đề dưới nước tại rạch Xuyên Tâm – Văn Thánh thì phải chú ý vì ô nhiễm tại đây nhiều kim loại nặng nhưng công nghệ xử lý lại là bể lắng vi sinh. Do đó, việc xử lý phải nghiên cứu lại công nghệ xử lý, cải tạo xong phải gắn với mục tiêu bền vững chứ không để tái ô nhiễm. Dự án đã dùng dằng kéo dài nhiều năm nay và càng kéo dài càng tốn kinh phí.

Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có cao trình không xuôi về một phía. Dòng chảy của nó một hướng về Bình Tân, hướng còn lại đổ về Gò Vấp. Cần xác định rõ vấn đề này để đầu tư các công trình xử lý liên quan dọc theo chiều dài của con kênh.

Còn về trên bờ, việc làm đường dọc kênh, phía dưới làm cống hộp giúp cải thiện vấn đề giao thông và tăng mỹ quan đô thị, nâng cao đời sống người dân. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm là những ví dụ thực tế rõ ràng về việc này. Tuy nhiên, cần có sự linh động thay đổi kế hoạch để triển khai tùy vào tình hình thực tế. Việc triển khai dự án cũng phải gấp rút, đồng bộ; tránh việc lấy mặt bằng xong rồi để đó sẽ xuất hiện các bãi rác, bãi xà bần.

Còn đối với hàng loạt hệ thống kênh rạch khác thì 2 năm qua TP đã có sự phân cấp chống ngập và cải tạo kênh rạch rất thành công. Thời gian tới TP cần có thêm nhiều đề án nạo vét các kênh rạch đã lấp, khi khôi phục thì làm cống chìm, cống hộp để mặt bằng bên trên vẫn sử dụng được.

Trước đây tỉ lệ kênh rạch chiếm khoảng 12% diện tích tổng thể TP, nhưng nay chỉ có 3-4% là rất đáng ngại. Đặc biệt chú ý tại nhiều quận huyện ngoại thành thì vấn đề san lấp kênh rạch vẫn còn nhiều, TP phải quản lý chặt việc này.

* Vấn đề thu gom và xử lý rác thải cần chú ý điều gì trong thời gian tới, giải pháp nào để đảm bảo việc thu gom và xử lý rác thải đạt hiệu quả?

– Đối với hệ thống thu gom rác, trong những năm qua có tiến triển, tuy nhiên hiện vẫn chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập. Đặc thù TP là nhà dân, cơ sở sản xuất xen cài do đó rác cứ lẫn lộn dẫn tới việc thu gom, phân loại rác gặp khó khăn.

TP đã phân cấp về quận huyện thì giờ nên phân cấp về phường xã, phải quản lý được các đường dây rác dân lập. Phường xã ký hợp đồng nguyên tắc với họ về phạm vi thu gom, loại rác thu gom để khi phát sinh những loại rác không thu gom được họ sẽ báo về, tránh việc thu gom lẫn lộn gây khó khăn cho phân loại, xử lý.

Công tác xử lý thì phải nâng vai trò quản lý nhà nước. TP tư nhân hóa một số bãi rác nên khi muốn thay đổi cách xử lý thì rất khó. Giai đoạn tới TP phải nâng tầm hơn vai trò các công ty công ích chứ không khoán trắng cho tư nhân trong việc xử lý rác. Các đơn vị công ích thì TP có thể điều phối được, còn tư nhân thì khó.

Đối với hạ tầng xử lý rác, TP.HCM có cơ chế đặc thù do đó có thể điều chỉnh phát sinh theo tình hình TP. Những công trình tạm ngoài quy hoạch có thể tháo dỡ khi không cần nữa hoặc chuyển tới những chỗ khác để tránh lãng phí.

* Vậy còn trong lĩnh vực quan trắc môi trường nói chung và quan trắc không khí nói riêng, ông góp ý gì khi TP.HCM – một TP lớn nhất nước mà việc quan trắc không khí vẫn làm thủ công?

– Theo tôi, TP phải quyết liệt trong công tác đầu tư hệ thống quan trắc tự động, chú ý các điểm như trường học, bệnh viện, khu ĐHQG, khu dân cư. Không thể dựa vào việc đấu thầu thuê đơn vị ngoài làm, đây là vấn đề sống còn đối với người dân. Khi có sự cố môi trường mà không có hệ thống quan trắc tự động sẽ khó xử lý kịp thời.

Những sự cố môi trường không dễ xảy ra nhưng khi xảy ra sẽ diễn biến rất nhanh và không kịp trở tay. Người dân nghe đầu tư hệ thống quan trắc tự động nhưng nhiều năm nay chưa hoàn thành. Các thiết bị quan trắc giờ không đắt, nặng ở chỗ đầu tư hệ thống phân tích dữ liệu, đấu nối. Nhưng TP.HCM phải đầu tư gấp chứ một đô thị lớn mà quan trắc còn chưa chủ động được thì rất khó. Nếu TP quá tải có thể giao về cho các quận huyện làm, TP chỉ cần đấu nối dữ liệu về trung tâm xử lý, từ đó có những thông tin cho người dân được biết.

Quản lý thu tiền rác bằng phần mềm

rac

Công nhân vệ sinh vớt rác trên rạch Xuyên Tâm, quận B.nh Thạnh, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là giải pháp công nghệ mà quận Gò Vấp đang nghiên cứu, áp dụng từ năm 2022. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng tài nguyên và môi trường quận cho biết quận đưa ra giải pháp áp dụng mô hình quản lý thu tiền rác thải đơn vị thu gom, hợp đồng thu gom, chủ nguồn thải… và quản lý rác thải trên phần mềm có tên GRAC.

Thời gian trước, các đơn vị thu gom rác (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, hợp tác xã hoặc công ty doanh nghiệp tư nhân) quản lý số liệu danh sách các hộ dân chủ yếu trên sổ sách giấy tờ, thậm chí bằng hình thức ghi nhớ. UBND phường quản lý và báo cáo về quận trên file Exel. Hình thức thu tiền rác là tới tận chủ nguồn thải (hộ gia đình và ngoài hộ gia đình) để thu tiền.

Thông qua phần mềm GRAC giúp quản lý đơn vị thu gom rác, quản lý chủ nguồn thải qua số nhà, số điện thoại, số tiền rác chủ nguồn thải đóng hằng tháng, quản lý việc thu tiền rác của đơn vị thu gom và kiểm tra được việc thông tin phản ảnh từ người dân về chất lượng vệ sinh… Phần mềm còn giúp kết nối chính quyền với đơn vị thu gom, UBND quận, phường quản lý được việc thu gom rác và thu tiền rác của các đơn vị thu gom, tránh loạn giá thu gom rác. Dữ liệu được quản lý vận hành trên đám mây điện tử nên hạn chế tiếp xúc giấy tờ, báo cáo trao đổi trực tiếp.

Người dân, đơn vị thu gom và cơ quan quản lý nhà nước (UBND quận, phường…) truy cập nhanh chóng và đơn giản qua website hoặc trên ứng dụng điện thoại di động. Mỗi khách hàng sẽ có mã định danh riêng biệt. Việc áp dụng mô hình quản lý và thu tiền rác góp phần mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thu gom rác trên địa bàn quận, đặc biệt trong công tác thu phí, thuế, thu nộp về ngân sách nhà nước.

Nguồn: https://tuoitre.vn/dien-dan-moi-truong-noi-toi-song-phat-trien-kinh-te-song-hanh-bao-ve-moi-truong-2021123008561771.htm