Kể từ lần đầu tiên được khởi xướng năm 1993, đến nay Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn đã thu hút sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm triệu người và hơn 180 quốc gia trên toàn thế giới, trở thành phong trào rộng khắp thế giới nhằm tăng cường nhận thức và hành động của toàn nhân loại đối với các vấn đề môi trường. Chính vì vậy, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới và các tổ chức quốc tế, sáng ngày 17/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức các hoạt động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2022 tại Diễn Châu, Nghệ An.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các vị khách quý đại diện cho các tổ chức quốc tế; các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố trực thuộc TW; các cơ quan thông tấn báo chí cùng toàn thể các quý vị đại biểu và người dân huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An đã đến tham dự buổi Lễ Phát động trọng thể này.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khai mạc Lễ phát động Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022.

Ông cho biết hiện nay, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, là thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ 21. Đặc biệt, theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, lượng chất thải rắn toàn cầu đang gia tăng nhanh, từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày trong năm 2010, lên hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025 (tăng 70% trong giai đoạn này). Diễn đàn Kinh tế thế cũng đưa ra nhận định, nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương bị ô nhiễm nặng nề của trái đất sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cả cá[A1] .

Tại Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra là rất lớn, trung bình có hơn 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày. Nguồn thải lớn nhưng khoảng hơn 70% lượng rác thải được xử lý chủ yếu bằng phương pháp  chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nếu không kiểm soát tốt có nguy cơ gây ô nhiễm tới môi trường đất, nước, không khí. Phần lớn hiện nay, rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, khối lượng rác thải gia tăng trung bình từ 10-16%/năm, gây áp lực lớn cho việc xử lý rác thải.

Các đại biểu tham dự Lễ phát động Chiến dịch.

Năm 2022, tiếp nối chủ đề đã được Liên Hợp quốc phát động đó là “Cùng hành động để thay đổi thế giới” nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các Bộ, ban ngành, tổ chức chính trị – xã hội, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cùng chung tay tổ chức các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường như triển khai có hiệu quả và tuyên truyền hướng dẫn chi tiết, đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tế cuộc sống, trong đó tập trung vào việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; lựa chọn các công nghệ chất thải xử lý chất thải phù hợp, ít phát thải ra môi trường, ưu tiên công nghệ xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng; thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững…cùng với đó là tăng cường kiểm soát và giám sát nguồn thải từ các khu vực có phát sinh nhiều chất thải hoặc các điểm nóng về ô nhiễm môi trường như các khu/cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông,…tổ chức các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh môi trường và trồng cây tạo cảnh quan tại nơi sinh sống, cơ quan, trường học… Khởi công và bàn giao các công trình, dựán về bảo vệ môi trường. Đặc biệt là các công trình, mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, tái chế chất thải…đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường và giảm nhựa, giảm thiểu chất thải cho các siêu thị, chuỗi cung ứng hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ và các nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như người dân…

Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và các địa phương tăng thời lượng tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các nội dung có liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các hoạt động vì môi trường… trong đó đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, truyền thông phù hợp trên nền tảng công nghệ, phù hợp các nhóm đối tượng. Từ đó, các hoạt động nổi bật, các sáng kiến và giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả sẽ được giới thiệu đến người dân và được các cấp có thẩm quyền khen thưởng, tôn vinh kịp thời.

Thứ trưởng cũng phát đi lời kêu gọi hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn: Chúng ta hãy cùng nhau cam kết hành động vì màu xanh của biển, vì màu xanh của môi trường trên khắp hành tinh. Mỗi một hành động dù nhỏ nhưng có ý nghĩa sẽ mang lại đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai của “ngôi nhà chung-Trái Đất”, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của loài người.

Tiếp theo hoạt động hưởng ứng, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã cùng Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Đinh Khắc Đính và Phó Bí thư Tỉnh uỷ kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – Nguyễn Nghĩa Hiếu cùng toàn thể đại biểu tham dự buỗi lễ tham gia trồng hàng cây ơn Bác và thu dọn sạch bãi biễn Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An.

Các Lãnh đạo Bộ TN&MT, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tham gia trồng Hàng cây ơn Bác.

VEA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *