Trẻ con Ecopark có tuổi thơ của “thời ông bà, cha mẹ”

Trẻ con Ecopark có tuổi thơ của “thời ông bà, cha mẹ”

27/05/2022

Có câu rằng: Trẻ em là những nhà khoa học bẩm sinh. Thiên nhiên chính là kho báu để những “nhà khoa học” này khai quật, trải nghiệm cảnh quan, âm thanh và kết cấu của mọi sự vật bên ngoài. Trẻ được sống trong môi trường gần gũi với tự nhiên sẽ hạnh phúc và khỏe mạnh hơn mỗi ngày.

Khi “bó buộc” trong 4 bức tường, ta mới thấy thiên nhiên đáng quý

“Suốt mấy tháng trời, con tôi dán mắt vào điện thoại. Nghĩ tới tuổi thơ sống trong thiên nhiên, được bắt châu chấu cào cào, được lội sông nghịch nước của mình ngày xưa mà tôi buồn thắt lòng” – chị Minh Phương (sinh năm 1986, Hà Nội) chia sẻ. “Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của không ít người. Trong đó, ‘tụi nhỏ’ có lẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi bó mình trong bốn bức tường.”

Nhà chị có hai đứa con trai, do bố mẹ bận rộn công việc nên gửi ông bà ngoại trông nom. Bé lớn 9 tuổi đang học tiểu học thì ngày nào cũng phải dùng điện thoại để học online. Bé nhỏ hơn mới 5 tuổi thì phải nghỉ lớp mầm non, ở nhà không có ai chơi cùng nên suốt ngày xem tivi.

“Cả hai bé vốn năng động, hoạt bát thì nay đã hình thành thói quen điện thoại không rời tay. Cho dù ông bà hay bố mẹ nhắc nhở thì cũng chỉ được một lúc, sau đó lại đâu vào đấy”, chị Phương chia sẻ.

Quãng thời gian này đã khiến chị vô cùng lo ngại vì những thói quen đã manh nha hình thành thì rất khó để có thể thay đổi. Dù sau này, hai bé đã bắt đầu đi học trở lại nhưng tâm trí thì vẫn không thể quên đi sự hấp dẫn của các sản phẩm kỹ thuật số. Điều đó hạn chế rất nhiều trải nghiệm sống của trẻ, đặc biệt là thiếu vắng sự kết nối với cộng đồng, với thiên nhiên xung quanh.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý trẻ em Tô Nhi A – giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thiên nhiên không được lập trình sẵn như trên các thiết bị công nghệ mà luôn thay đổi, ẩn chứa trong nó những điều huyền bí không đoán trước được. Chính vì thế, gần gũi với thiên nhiên là một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng cường và phát huy khả năng sáng tạo của trẻ.”


Trẻ có được sự sáng tạo sẽ đạt được nhiều ích lợi quan trọng, không còn sao chép rập khuôn mà biết cách thể hiện đúng nội tâm của mình hơn. Các bé có thể chủ động tiếp nhận các nhiệm vụ, dễ dàng chấp nhận và mở lòng hơn với sự khác biệt, liên kết các khả năng tích cực…

Sức mạnh của thiên nhiên còn góp phần quan trọng vào quá trình phát triển năng lực toàn diện về nhân cách của trẻ. Không gian xanh thân thiện và an lành sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn nhân văn và hướng thiện hơn. Đây chính là những giá trị quý báu mà ai cũng muốn trao tặng cho con em của mình.

Giống như tuổi thơ trước kia của chính người lớn chúng ta, được hòa mình vào thiên nhiên chính là có được “kho học liệu quý giá” nhất. Mỗi đứa trẻ đều được thỏa thích khám phá thế giới xung quanh, qua đó khám phá chính bản thân mình. Những nụ cười, kỷ niệm hạnh phúc cũng từ đó mà ra, trở thành nền tảng gắn bó với cả hành trình lớn khôn, trưởng thành của mỗi người.

Hành trình này cần trẻ đích thân thực hiện nhưng cũng không thể thiếu vai trò đồng hành của mẹ cha. Lưu ý đến môi trường sống – không gian sống ngay từ đầu sẽ góp phần tạo điều kiện cho trẻ được gần gũi với thiên nhiên một cách toàn diện nhất.

Mang “vitamin thiên nhiên” hòa vào từng nhịp sống và chặng đường lớn khôn

Chị Huyền Trang (32 tuổi, Hà Nội) cũng như bao người khác thuộc thế hệ cuối 8x – đầu 9x, có một tuổi thơ đầy giản dị. Niềm vui của trẻ nhỏ khi đó chỉ là sáng đi bắt ve, trưa trốn ngủ rủ lũ bạn cùng nhảy dây, trốn tìm, tới chiều tối lại đua nhau thả diều, mẹ gọi mãi không chịu về ăn cơm. Những thú vui tưởng chừng đơn giản nhưng dần trở nên “hiếm có khó tìm” giữa thế kỷ 21.

Phố thị sôi nổi, náo nhiệt nhưng đồng thời cũng đem tới không ít phiền nhiễu, mệt mỏi cho mỗi một thành viên. Cô con gái của chị đã 12 tuổi nhưng vẫn rất nhút nhát, không hòa đồng do thiếu không gian vui chơi.

“Từ nhà đến trường, rồi lại từ trường về nhà, cả ngày chẳng có chỗ chơi, chẳng có bạn bè cùng trang lứa thì khổ thân trẻ con quá đi mất”, chị Trang buồn lòng tâm sự.

Chính thời điểm đó, chị đọc được cuốn sách Last Child in the Woods (tạm dịch: Đứa trẻ cuối cùng trong rừng) của tác giả người Mỹ Richard Louv. Thông qua những chia sẻ của tác giả, chị mới biết tới khái niệm “rối loạn thiếu hụt thiên nhiên”, thiếu vitamin N, tức Nature (thiên nhiên).

Thay vì để trẻ dành nhiều thời gian hơn trong thế giới kỹ thuật số, tác giả đã khuyến khích người lớn đưa con trẻ về với thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Điều này khiến chị Trang được thôi thúc lên kế hoạch chuyển đến thành phố triệu cây xanh – Ecopark.

“Sau 1 năm rưỡi chuyển nhà, tận mắt chứng kiến những thay đổi của con, của mỗi thành viên trong gia đình mà tôi lại thầm thở phào, may mắn là mình đã đưa ra quyết định kịp lúc”, chị Trang chia sẻ. “Nói không ngoa đâu nhưng thực sự thiên nhiên là yếu tố quyết định chất lượng sống vô cùng quan trọng, từ chính những trải nghiệm nhỏ bé nhất.”

Chẳng hạn, mỗi sáng, gia đình chị có thể đi tập thể dục, đạp xe quanh công viên, giúp hình thành thói quen tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất từ sớm. Nơi đây không chỉ có cảnh quan đẹp đẽ, mà còn sở hữu không gian sinh hoạt rộng lớn, rất tiện để con gái chị có thể kết bạn cùng lứa tuổi.

Cũng nhờ có môi trường nhiều cây cối giúp nền nhiệt dễ chịu hơn trong thành phố, trẻ em mới có thể thoải mái hoạt động ngoài trời mà không còn phải “dính chặt” lấy những không gian kín có điều hòa.

“Hàng ngày, được nô đùa, chạy nhảy nhiều hơn giúp bé bắt đầu hướng ngoại và năng động hơn. Tôi nhìn mà cũng thấy vui”, chị Trang vui mừng chứng kiến những thay đổi đầu tiên của con gái.

Bên cạnh đó, được tiếp xúc gần gũi với tự nhiên giúp con trẻ bắt đầu tự do khám phá, phát triển năng lực. Hàng ngày, cô bé vừa có chỗ để dắt vật nuôi đi dạo, vừa được tham gia các hoạt động ngoại khóa có ích như thả diều, cắm trại, picnic, vẽ tranh ngoài trời…

Điều này kích thích con gái chị hứng thú hơn với việc tìm hiểu thế giới tự nhiên phong phú, muốn biết tên đủ các loại cây xanh, hoa cỏ xung quanh mình.

Hệ sinh thái động vật sinh sống, cư ngụ tại Ecopark đa dạng giúp cô bé được mở mang kiến thức. Không cần cha mẹ kè kè bên cạnh, bé đã bắt đầu rủ bạn bè ra công viên quan sát chim chóc bay lượn, những đàn chim công quý hiếm, cho thỏ và chim muông ăn.

“Đôi khi, bé sẽ về nhà để khoe ‘chiến tích đi rừng’ nhặt xác ve sầu, mục sở thị quá trình côn trùng lột xác, hoặc tìm kiếm những loài động vật đến từ tự nhiên như sóc, nai… của mình. Lúc đó, tôi cảm thấy cô con gái nhỏ giống như một nhà khoa học đích thực”, chị Trang chia sẻ.

Con gái chị đặc biệt thích khám phá khu vực ven hồ cùng bố mẹ. Khi đó, cô bé có thể ngắm nhìn cá lặn dưới nước, từng đàn vịt trời, ngỗng trời, bồ nông, cò vạc… làm tổ và kiếm ăn.

Chị Huyền Trang tâm sự: “Khi thực sự sinh sống trong một môi trường gắn liền với yếu tố thiên nhiên xanh, nơi mà con người và động – thực vật có được sự giao hòa, mọi người đều sẽ thấy cả cơ thể và tâm hồn dần dần thay đổi.

Đó đều là những điều hiếm có, khó có thể làm ở môi trường nội đô vì có quá ít cây xanh, nhiều khói bụi ô nhiễm, động vật khó có thể cư trú lâu dài. Đặc biệt,ở nơi này, trẻ nhỏ thực sự được hạnh phúc. Bất cứ thứ gì, từ chiếc lá tới cành cây, cho tới những sinh vật nhỏ bé đều có thể là niềm vui cho trẻ suốt nhiều ngày dài”.

Có thể thấy, việc lựa chọn một môi trường thích hợp để trẻ em phát triển và học hỏi luôn là điều vô cùng quan trọng. Nếu chỉ sống với các thể loại màn hình tivi, máy tính hay điện thoại, trẻ sẽ tự đóng lại các giác quan của bản thân. Trong khi đó, sống hòa mình vào thiên nhiên thực sự giúp ích cho não, cơ thể và cả tâm hồn của trẻ. Và mỗi đứa trẻ ở Ecopark, đang được hít thở bầu không khí trong lành và tận hưởng từng giây từng phút quý giá với thiên nhiên đó.

Nguồn: https://moitruong.net.vn/tre-con-ecopark-co-tuoi-tho-cua-thoi-ong-ba-cha-me/

Năm 2022: Cảnh báo một năm thiên tai khốc liệt, dị thường

Năm 2022: Cảnh báo một năm thiên tai khốc liệt, dị thường

27/05/2022

Liên quan đến đợt mưa kỉ lục ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng đây có thể là dấu hiệu cho thấy năm nay có khả năng sẽ là một năm nhiều thiên tai bất thường ở nước ta.

Những ngày vừa qua, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150 – 300mm, có nơi trên 350mm, riêng khu vực Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc có lượng mưa 200 – 400mm, có nơi trên 450mm. Một số nơi có lượng mưa lớn như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 808mm, Xuân Khánh (Thanh Hóa) 594mm, Đại Từ (Thái Nguyên) 554mm, Quân Chu (Thái Nguyên) 692mm, Kiến Thiết (Tuyên Quang) 612mm, Tam Dương (Vĩnh Phúc) 496mm, Đông Lai (Hòa Bình) 442mm, Phúc Thọ (Hà Nội) 396mm, …

Lý giải về hiện tượng trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin, rãnh gió mùa (là khu vực hội tụ của hai đới gió mùa: Đông Bắc và Tây Nam) có trục đi qua Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp gây ra mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ảnh minh họa

Đặc biệt trong ngày 23 – 24/5, rãnh áp thấp hoạt động mạnh, kết hợp với vùng xoáy thấp trên rãnh áp thấp phát triển đến độ cao 5.000m là nguyên nhân gây ra mưa rất to ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Từ ngày 25/5, dự báo rãnh áp thấp và vùng xoáy thấp hoạt động yếu dần sẽ làm cho mưa lớn ở khu vực này suy giảm.

Lý giải nguyên nhân mưa lũ bất thường này, cơ quan dự báo cho biết thông thường trong tháng 5 (tháng chuyển tiếp giữa gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam), dưới tác động của rãnh gió mùa, các tỉnh miền Bắc vẫn thường xuyên xuất hiện các đợt mưa rào và dông. Vì thế những đợt mưa tương tự như đợt mưa vừa rồi ở Bắc bộ không phải xảy ra lần đầu tiên.

Tại Tây Bắc, Việt Bắc và một số nơi vùng đồng bằng Bắc bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) chỉ trong 2 ngày, 23 và 24/5, tổng lượng mưa vượt lượng mưa tháng trung bình nhiều năm từ 30-50%.

Riêng ngày 23/5, khu vực Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có mưa to với lượng mưa đo được là 464 mm/ngày. Đây là lượng mưa ngày lớn nhất ghi nhận tại Tam Đảo từ năm 1962 tới nay.

“Qua đó có thể thấy đây là một đợt mưa lớn ít gặp. Trong quá khứ, đợt mưa lớn gần nhất trong tháng 5 có cường độ tương tự ở Bắc Bộ xảy ra vào ngày 23 đến 26-5-2016. Điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy năm nay có khả năng sẽ là một năm có nhiều thiên tai bất thường ở nước ta” – Cơ quan khí tượng cảnh báo.

Ngoài ra, hiện tượng La Nina (sự biến động bất thường trong hệ khí quyển – đại dương) được dự báo sẽ tiếp tục trì trong những tháng tới và là nguyên nhân chi phối mạnh mẽ đến diễn biến thiên tai trong năm 2022.

Dù không thể khẳng định chắc chắn La Nina sẽ gây ra thiên tai cụ thể thế nào nhưng theo phân tích thống kê, những năm La Nina thường có mưa lũ nhiều và phức tạp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: https://moitruong.net.vn/nam-2022-canh-bao-mot-nam-thien-tai-khoc-liet-di-thuong/

Cảnh báo khả năng một mùa mưa bão bất thường sắp đến

Cảnh báo khả năng một mùa mưa bão bất thường sắp đến

27/05/2022

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, đợt mưa vừa qua một số nơi ghi nhận lượng mưa đạt kỉ lục. Đây là dấu hiệu cảnh báo khả năng một mùa thiên tai bất thường sắp đến.

Mới chỉ cuối tháng 5 – chưa vào cao điểm mùa mưa bão nhưng vừa qua khu vực Bắc Bộ và bắc Trung Bộ đã hứng chịu đợt mưa lớn diện rộng gây ngập lụt nhiều nơi.

Theo đó từ sáng sớm ngày 21/5 đến ngày 24/5, Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm, riêng khu vực Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc có lượng mưa 200-400mm, có nơi trên 450mm. Một số nơi có lượng mưa lớn như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 808mm, Xuân Khánh (Thanh Hóa) 594mm, Đại Từ (Thái Nguyên) 554mm, Quân Chu (Thái Nguyên) 692mm, Kiến Thiết (Tuyên Quang) 612mm,…

Thiên tai bất thường, khó dự báo

Cơ quan khí tượng cho hay, rãnh gió mùa có trục đi qua Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp gây ra mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và bắc Trung Bộ. Đặc biệt trong ngày 23-24.5, rãnh áp thấp hoạt động mạnh, kết hợp với vùng xoáy thấp trên rãnh áp thấp phát triển đến độ cao 5000m là nguyên nhân gây ra mưa rất to.

Thông thường trong tháng 5, các tỉnh miền Bắc vẫn thường xuyên xuất hiện các đợt mưa rào và dông. Vì thế những đợt mưa tương tự như như vừa qua ở Bắc Bộ không phải xảy ra lần đầu tiên.

Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định, đợt mưa diện rộng lần này có cường độ lớn, một số nơi như Vĩnh Phúc xuất hiện lượng mưa kỉ lục. Tại Tam Đảo lượng mưa 4 ngày lên tới 808mm, đây là lượng mưa cao nhất trong tháng 5 từ trước tới giờ. Đặc biệt trong ngày 23.5 tại khu vực Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có mưa to với lượng mưa đo được là 464mm/ngày. Đây là lượng mưa ngày lớn nhất ghi nhận tại Tam Đảo từ năm 1962 tới nay, lượng mưa ngày kỷ lục trước đó là 379mm/ngày ghi nhận vào ngày 25.8.2003.

Qua đó có thể thấy đây là một đợt mưa lớn ít gặp. Trong quá khứ, đợt mưa lớn gần nhất trong tháng 5 có cường độ tương tự ở Bắc Bộ xảy ra vào ngày 23-26/5/2016.

Vì thế cơ quan khí tượng cho rằng điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy năm nay có khả năng sẽ là một năm có nhiều thiên tai bất thường ở nước ta.

Dự báo dài hạn từ nay đến cuối năm 2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ tháng 7-9/2022. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11.2022.

Ngoài ra, hiện tượng La Nina được dự báo tiếp tục duy trì trong những tháng tới và chi phối mạnh đến diễn biến thiên tai trong năm 2022. Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn La Nina sẽ gây ra thiên tai cụ thể thế nào nhưng theo phân tích thống kê, những năm La Nina thường có mưa lũ nhiều và phức tạp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: https://moitruong.net.vn/canh-bao-kha-nang-mot-mua-mua-bao-bat-thuong-sap-den/

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ thiên nhiên

23/05/2022

Yêu thiên nhiên và mong muốn mọi người hòa mình với thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường, một cụ ông 79 tuổi đã thực hiện dự án du lịch trải nghiệm suối đá kết hợp trồng rừng ngay tại mảnh đất của gia đình. Đó là ông Hoàng Thường ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long. Với dự án này, ông Hoàng Thường đã chuyển tải thông điệp đến mọi người về ý nghĩa việc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và môi trường sống.

Nỗ lực trồng rừng

Những cây rừng xanh ngắt, dòng suối đá tràn trề sức sống cùng không khí tươi mát, trong lành là những gì hiện hữu đến hôm nay trên mảnh đất hơn 8 ha của gia đình ông Hoàng Thường. Đây cũng là dự án ông ấp ủ suốt hơn 50 năm qua khi có mặt ở Phước Long.

Đúng như tên gọi, suối đá có những hòn đá đủ hình thù, kích cỡ khác nhau được thiên nhiên khéo léo sắp xếp thành từng bậc. Mùa mưa là thời điểm để ngắm trọn vẹn vẻ đẹp quyến rũ bởi lúc này con suối đầy ắp nước… Với tình yêu thiên nhiên, những năm 1960, ông Thường đã tự tay trồng hàng loạt cây rừng trên khu đất của gia đình. Đây vừa là cách nuôi dưỡng tình yêu với rừng vừa thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Hàng loạt cây to sau những tháng ngày được ông chăm bón đã tạo nên một khung cảnh thiên nhiên mát lành ngay giữa trung tâm thị xã.

Khí hậu ôn hòa, dòng suối mát lành, suối đá Năm Thường phù hợp cho những buổi picnic, dã ngoại – Ảnh: Trương Hiện

Theo ông Thường, dù lợi nhuận đối với gia đình khi khai thác loại hình du lịch này không cao nhưng với xã hội, nó đem lại lợi ích rất lớn. Không chỉ góp phần lan tỏa tình yêu thiên nhiên, xây dựng du lịch theo hướng này còn là phương thức rất tốt để bảo vệ rừng, không tác động vào thiên nhiên. Khu suối đá của ông không có nhà xây, không tường bê tông, không có cơ sở vật chất xa hoa hay trang trí đẹp mắt, nhưng đến đây du khách được hưởng không khí trong lành từ cây rừng, từ thiên nhiên, từ dòng suối mát lành với tiếng nước chảy róc rách. “Đất ở đây sạch và đã là cây rừng thì mình để như thế này chứ đừng bê tông. Bê tông chừng nào sẽ nóng chừng đó, cho nên chúng tôi để hoang sơ như vậy. Sau này, tôi cũng chỉ trải thảm cho thêm mát mà thôi, chứ không bao giờ làm bê tông” – ông Thường cho biết.

Du lịch dưới tán rừng

Khu suối đá Năm Thường hoạt động từ tháng 11-2021 nhưng hiện thu hút khá đông khách đến tham quan, thưởng ngoạn. Bởi đối với khách tham quan, khi được trải nghiệm một nơi mà ở đó xung quanh là rừng cây xanh ngắt, dòng nước mát rì rào, khí hậu ôn hòa, gần gũi với thiên nhiên là một điều tuyệt vời và thú vị. Anh Nguyễn Văn Hiếu, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương cho biết: “Không khí ở đây mát lành, tôi và gia đình được hòa mình vào thiên nhiên. Tôi nghĩ nơi đây sẽ là lựa chọn của nhiều người tìm đến thư giãn sau 1 tuần làm việc mệt nhọc và được thưởng thức nhiều món đặc sản của địa phương”.

Tôi phải làm ở đây thành một khu rừng để con cháu vui chơi thật mát mẻ. Đã rất lâu rồi đến hôm nay ý nguyện của tôi mới trở thành sự thật, nhìn các cháu thỏa thích dưới tán cây, dưới dòng suối mát là tôi như trẻ thêm vài tuổi.

Ông Hoàng Thường, chủ khu suối đá Năm Thường, khu phố Phước Sơn, phường Phước Bình

Du lịch xanh có vai trò to lớn trong bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Suối đá nằm ở hạ nguồn của dòng thác Mẹ và điểm cuối của chân núi Bà Rá, vậy nên mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ và thanh tĩnh. Với những lợi thế này, ngành chức năng địa phương cũng đang hoàn thiện những thủ tục để công nhận khu suối đá Năm Thường là điểm du lịch của Phước Long.

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Phước Long nhấn mạnh: “Suối đá Năm Thường là điểm du lịch kết hợp với dịch vụ, nhưng còn mang tính chất hoang sơ. Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sở cũng đã khảo sát, thời gian tới sẽ công nhận khu suối đá Năm Thường thành điểm du lịch trên địa bàn thị xã Phước Long”.

Với những nỗ lực trong việc bảo vệ thiên nhiên của ông Hoàng Thường đã mang đến bản hòa ca của thiên nhiên cho khu suối đá, khi xung quanh là rừng cây xanh ngắt, dòng nước mát rì rào. Còn đối với du khách, cảm giác được hòa quyện vào thiên nhiên là những trải nghiệm đáng nhớ. Hơn nữa, điểm đến này vẫn giữ được chất tự nhiên, đến đây, du khách có thể cùng bạn bè, người thân cắm trại, vui chơi và thư giãn.

Anh Ngọc
Bình Phước phát động trồng gần 800 ngàn cây xanh trong năm 2022

Bình Phước phát động trồng gần 800 ngàn cây xanh trong năm 2022

19/05/2022

Sáng nay 19-5, nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ phát động trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và phát động phong trào trồng cây xanh năm 2022.

Tham dự buổi lễ có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Thị Xuân Trang cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhấn mạnh: Bình Phước luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng, trồng cây phân tán, thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ.

“Để triển khai thành công kế hoạch trồng cây xanh năm 2022, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, bằng nhiều hình thức tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc trồng cây, trồng rừng; tổ chức phát động lễ trồng cây phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả” – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền yêu cầu.

Lãnh đạo tỉnh tham gia trồng cây xanh sau lễ phát động

Theo kế hoạch trồng cây xanh năm 2022, toàn tỉnh dự kiến trồng gần 800 ngàn cây xanh các loại, bao gồm cây xanh trồng phân tán và cây xanh tập trung với mục đích là sản phẩm gỗ lớn. Tích cực trồng cây xanh, gây rừng với nhiều loại cây hữu ích sẽ góp phần phủ xanh đất trồng đồi trọc, tăng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh; đồng thời nâng cao ý thức và hành vi của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường sống.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau khi tiến hành trồng cây, sở với vai trò là cơ quan chủ trì sẽ giao lại cho các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý, chăm sóc và kiểm lâm sẽ là đơn vị phối hợp thường xuyên theo dõi, kiểm tra và đánh giá hiệu quả chương trình.

Ngay sau lễ phát động, lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu đã tiến hành trồng cây xanh tại khu căn cứ hậu cần kỹ thuật của Ban CHQS thành phố Đồng Xoài và sẽ có gần 2 ngàn cây xanh được trồng tại khu vực này. Đây là công trình mang ý nghĩa an ninh, chính trị, được thực hiện bằng nguồn lực của Nhà nước kết hợp với sự chung tay đóng góp của nhân dân, lực lượng Quân đội nhân dân, cán bộ, công chức và cộng đồng doanh nghiệp.

Dịp này, lãnh đạo tỉnh cũng đã trao bảng tượng trưng giao chỉ tiêu trồng cây xanh năm 2022 cho các đơn vị trên địa bàn.

Thu Thảo – Đặng Hùng
Felicia City Bình Phước hướng tới phát triển hệ sinh thái xanh bền vững

Felicia City Bình Phước hướng tới phát triển hệ sinh thái xanh bền vững

19/05/2022

Công ty Mỹ Lệ TNHH cho biết, ngày 15-5-2022 vừa qua, doanh nghiệp đã khởi công xây dựng công viên trung tâm Iris Central Park thuộc đô thị sinh thái Felicia City Bình Phước. Với tỷ lệ cây xanh rộng lớn cùng nhiều cảnh quan ấn tượng, Iris Central Park hứa hẹn sẽ trở thành biểu tượng văn hóa, du lịch mới cho huyện Phú Riềng.

Lễ khởi công xây dựng công viên Iris Central Park được Thiên An Holdings – đơn vị phát triển dự án tổ chức thành công vào ngày 15-5-2022 vừa qua

“Tâm điểm xanh” tại cung đường du lịch Bình Phước

Bình Phước có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bền vững. Xét về mặt vị trí, Bình Phước là cửa ngõ và là cầu nối với Tây Nguyên – vùng đất có nhiều nét văn hóa độc đáo, kết nối nhanh chóng đến TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên sẽ tiếp cận được lượng lớn khách hàng tiềm năng. Xét về mặt tự nhiên, tỉnh có nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng về văn hóa và khí hậu phù hợp du lịch quanh năm nên đặc biệt thích hợp phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa.

Ngoài công nghiệp và nông nghiệp, du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Bình Phước trọng điểm đầu tư. Bên cạnh các loại hình truyền thống, hiện Bình Phước đang thúc đẩy phát triển đô thị kết hợp du lịch tại nhiều địa phương. Đáp ứng tốt nhu cầu trên, Công ty Mỹ Lệ TNHH đã triển khai nhiều tiện ích thúc đẩy du lịch tại dự án Felicia City Bình Phước tại đường ĐT741, huyện Phú Riềng, đặc biệt là công viên trung tâm được doanh nghiệp khởi công xây dựng vào ngày 15-5-2022 vừa qua.

Đại lộ mặt tiền ĐT741 được đánh giá là cung đường du lịch đắt giá tại Bình Phước khi sở hữu nhiều điểm đến hấp dẫn thu hút lượng lớn du khách mỗi năm: Trảng cỏ Bù Lạch, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Thủy điện Thác Mơ, Sóc Bom Bo, núi Bà Rá, Khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ…

Cận cảnh công viên trung tâm Iris Central Park ấn tượng

Theo quy hoạch, công viên trung tâm Iris Central Park tại dự án Felicia City Bình Phước có quy mô hơn 8.000m2 sẽ được xây dựng với nhiều khu vực chuyên biệt, hơn 1.000 góc check-in ấn tượng với những vườn hoa đa sắc, vũ điệu ánh sáng tại hồ cảnh quan… Bên cạnh vai trò là “lá phổi” xanh cho cộng đồng, Iris Central Park còn được thiết lập các khu thể dục, thể thao ngoài trời, khu vui chơi dành riêng cho trẻ nhỏ, đường chạy bộ…

Đồng thời, các tiện ích còn được kết hợp với mảng xanh rộng lớn được phủ khắp công viên, đem lại không gian trong lành, xanh mát; mang đến trải nghiệm xứng tầm dành cho cư dân và du khách trong tương lai.

Đại diện chủ đầu tư – ông Trần Văn Tuyến, Phó giám đốc Công ty Mỹ Lệ TNHH khẳng định tại lễ khởi công: “Iris Central Park là công viên chức năng lớn nhất Felicia City Bình Phước sẽ được chúng tôi tập trung đầu tư để sớm xây dựng nên điểm đến tham quan, giải trí, văn hóa phục vụ cộng đồng cư dân Felicia City Bình Phước nói riêng và du khách huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước nói chung”.

Tiến độ hạ tầng vượt trội, “điểm cộng” gia tăng sức hút Felicia City Bình Phước

Lễ khởi công xây dựng công viên Iris Central Park diễn ra thành công vừa qua, đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến độ xây dựng, đồng thời khẳng định nỗ lực thúc đẩy tiến độ hạ tầng, giữ vững cam kết với khách hàng của chủ đầu tư.

Pháp lý và tiến độ hạ tầng là hai trong số những “điểm cộng” giúp Felicia City Bình Phước được sự đón nhận nồng nhiệt từ khách hàng có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư, bởi đó là những “bảo chứng vàng” cho tiềm năng gia tăng giá trị và khả năng thanh khoản của sản phẩm. Hiện, dự án đã có quy hoạch 1/500.

Felicia City Bình Phước đang đẩy nhanh tiến độ hạ tầng để đảm bảo cam kết với khách hàng

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều công trình hạ tầng trong dự án đã và đang được đẩy nhanh tốc độ triển khai, tạo nên diện mạo chỉn chu cho dự án và đảm bảo tiến độ bàn giao trong tương lai.

Không chỉ sở hữu nhiều điểm nhấn tạo ra sự khác biệt, Felicia City Bình Phước còn mang tiềm năng mở ra tương lai hưng thịnh với những giá trị đầu tư sinh lời, vượt trội về vị trí, cơ sở hạ tầng, khả năng kết nối, đặc biệt là giá và chính sách bán hàng hấp dẫn.

Hiện, Felicia City Bình Phước đang giới thiệu những sản phẩm đẹp nhất thuộc phân khu Glorious – tâm điểm giá trị nhất dự án với nhiều ưu đãi: chiết khấu cao lên đến 9%, tặng ngay 5 triệu đồng/nền khi đăng ký sản phẩm thành công, hỗ trợ tài chính 50% và thanh toán chậm trong 12 tháng, được tặng bản vẽ thiết kế nhà phố và biệt thự khi xây dựng, cơ hội nhận nhiều phần quà hấp dẫn lên đến 2 tỷ đồng…

Với sự đầu tư bài bản, Felicia City Bình Phước được kỳ vọng sẽ trở thành một đô thị giàu tiềm năng phát triển ở Bình Phước nói chung và Phú Riềng nói riêng.

Hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn phát huy hiệu quả chưa cao

Hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn phát huy hiệu quả chưa cao

19/05/2022

Sáng nay 19-5, đoàn công tác của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh do Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết làm trưởng đoàn đã đi giám sát một số công trình và làm việc với đơn vị quản lý về việc đầu tư xây dựng, quản lý, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các hồ, đập, thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn huyện Bù Đốp.

Trên địa bàn huyện Bù Đốp hiện có 6 công trình hồ, đập dâng và kênh thủy lợi, đã đáp ứng một phần nhu cầu dùng nước cho sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, hầu hết các công trình đều đã xây dựng và đưa vào sử dụng trên 15 năm, riêng Đập dâng K2 thuộc xã Tân Tiến thì lòng hồ đã bị bồi lấp; còn đập Tân Đông, xã Tân Thành thì thân, đường trên mặt đập có vết lở và nứt rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn đã được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả, cần nguồn kinh phí để đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng nhằm mở rộng diện tích tưới cho 1.830 ha cây trồng trên địa bàn huyện.

Đoàn giám sát thực tế tại hồ K2, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp

Riêng về cấp nước sinh hoạt thì hiện nay trên địa bàn huyện Bù Đốp có 7 công trình. Các trạm cấp nước tập trung trên địa bàn huyện do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đầu tư xây dựng, sửa chữa, bảo hành. Chủ yếu cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trong mùa khô, do vậy tỷ lệ các hộ dân sử dụng thực tế thấp so với quy mô xây dựng. Hiện nay, phần lớn đều đã xuống cấp, có công trình nhiều năm đã không sử dụng được. Để đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu của nhân dân vùng sâu, vùng xa tại địa phương, huyện đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tham mưu UBND tỉnh đầu tư thêm các hệ thống ống dẫn nước tại các tuyến đường tập trung dân cư và khẩn trương tiến hành sửa chữa, khắc phục các tồn tại còn vướng mắc.

Lòng hồ đã bị bồi lấp, đập bị rạn nứt rất nguy hiểm trong mùa mưu bão năm nay

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị địa phương, đơn vị quản lý làm rõ nguyên nhân của các công trình cấp nước xuống cấp, hư hỏng; việc phân cấp và phương thức quản lý các công trình thủy lợi; nguồn thu và kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình cấp nước trên địa bàn huyện…

Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt hư hỏng không hoạt động

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của huyện Bù Đốp để tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết trong thời gian tới. Đồng thời, mong muốn các đơn vị chức năng sớm có báo cáo thực trạng các hồ đập, công trình thủy lợi và hệ thống cung cấp nước phục vụ nhân dân cần bố trí kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp để đại biểu HĐND tỉnh có ý kiến tại kỳ họp tới.

Lãnh đạo huyện Bù Đốp nêu kiến nghị với đoàn giám sátPhó chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Huỳnh Hữu Thiết phát biểu tại buổi làm việc

Thanh Mảng
Bãi rác gây mất mỹ quan đô thị

Bãi rác gây mất mỹ quan đô thị

18/05/2022

Khoảng mấy năm gầy đây, mỗi khi người dân có nhu cầu đến liên hệ công việc tại Công an phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài, cảm thấy rất khó chịu và bức xúc trước thực trạng bãi rác được tập kết ngay trước cổng của trụ sở Công an phường.

Bãi rác vừa mất vệ sinh vừa làm xấu mỹ quan đã tồn tại thời gian dài ngay trước Công an phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài 

Theo phản ảnh của người dân, bãi rác sinh hoạt nêu trên được thu gom từ các khu dân cư trong khu vực về tập kết tại đây. Thông thường bãi rác này hiện diện từ 14 giờ đến 21 giờ hằng ngày sau đó được vận chuyển đi xử lý. Rác với đủ thứ thải loại, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực. Tuy nhiên, gần đây có nhiều ngày bãi rác vẫn tồn tại đến tận 7-8 giờ sáng vừa mất mỹ quan vừa làm ô nhiễm bầu không khí.

Qua đây rất mong các cơ quan hữu quan sớm có biện pháp xử lý triệt để, trả lại môi trường trong lành, đồng thời không làm mất mỹ quan đô thị của thành phố trẻ Đồng Xoài.

N.T
Việt Nam cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học

Việt Nam cam kết hợp tác đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học

18/05/2022

Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp tác để đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Loài Cheo lưng bạc Việt Nam (tên khoa học Tragulus versicolor) tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận. Đây là loài động vật hơn 30 năm qua chưa có hình ảnh hay thông tin phát hiện tại khu vực cụ thể ở Việt Nam. (Ảnh: TTXVN phát)

Loài Cheo lưng bạc Việt Nam (tên khoa học Tragulus versicolor) tại khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận. Đây là loài động vật hơn 30 năm qua chưa có hình ảnh hay thông tin phát hiện tại khu vực cụ thể ở Việt Nam

Ngày 18-11, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến Ban Điều hành Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) lần thứ 22 đã được tổ chức nhằm kiểm điểm tình hình hoạt động, tiến độ và kết quả triển khai của các dự án về bảo tồn sự đa dạng sinh học và trao đổi, thảo luận về phương hướng hoạt động của ACB trong thời gian tới.

Tham dự Hội nghị có đại diện các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, ACB, đại diện các đối tác phát triển trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học như Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác phát triển Đức…

Theo Báo cáo đánh giá toàn cầu về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái năm 2019 của Liên hợp quốc, nhân loại đang chứng kiến tốc độ suy thoái đa dạng sinh học chưa từng có trong lịch sử loài người.

Những tổn thất về đa dạng sinh học cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu.

Việc ngăn chặn tốc độ suy thoái, tăng cường phục hồi đa dạng sinh học là nhiệm vụ nặng nề đang được đặt ra và thảo luận trong khuôn khổ thực hiện Công ước Đa dạng sinh học cũng như các quốc gia trên thế giới.

Vì vậy, thập niên 2020-2030 được Liên hợp quốc xác định là thập niên phục hồi hệ sinh thái.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Trưởng nhóm Nhóm công tác ASEAN của Việt Nam về bảo tồn đa dạng sinh học, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết, năm 2020 là năm chủ đề “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.”

Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN mong muốn lan tỏa tinh thần chủ đề này trong các nước ASEAN nhằm thúc đẩy cam kết về bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái tại Đông Nam Á.

Hơn lúc nào hết, tầm quan trọng của việc trao đổi, hợp tác trong nội khối ASEAN cũng như với các quốc gia và đối tác phát triển quốc tế được ghi nhận nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược hợp tác ASEAN về môi trường, Kế hoạch hành động Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và các sáng kiến khu vực liên quan.

Cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học chính là cơ hội hướng tới sự bắt đầu của Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để chống khủng hoảng bởi sự nóng lên của khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và đa dạng sinh học.

Hiện nay, Ban thư ký Công ước Đa dạng sinh học (CBD) đang làm việc với các đối tác toàn cầu nhằm xây dựng Khung đa dạng sinh học toàn cầu sau 2020, đặt ra mục tiêu đến 2050 “con người sống hài hòa với thiên nhiên”.

Cũng như các quốc gia ASEAN, Việt Nam được công nhận là nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới.

Đa dạng sinh học đã góp phần to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; duy trì nguồn gene vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; tạo nên các cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam.

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các Điều ước quốc tế về đa dạng sinh học như Công ước Đa dạng sinh học, Công ước Ramsar, Công ước CITES, Công ước Biến đổi khí hậu và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển…

Trong đó, Việt Nam là nước thứ 7 ở ASEAN tham gia CITES (Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp), là nước đầu tiên ở ASEAN xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý buôn bán động thực vật hoang dã.

Việt Nam cũng đã tham gia tích cực trong quá trình xây dựng khung toàn cầu về đa dạng sinh học.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị tổng kết Chiến lược hành động quốc gia về đa dạng sinh học và chuẩn bị cho chiến lược giai đoạn 2030, cụ thể hóa các yêu cầu của chiến lược toàn cầu trong bối cảnh của Việt Nam, thúc đẩy đạt được các mục tiêu bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học của đất nước trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua đã đề xuất một số nội dung liên quan đến bảo vệ cảnh quan và đa dạng sinh học, nhằm tăng cường thể chế cho công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Chính phủ Việt Nam cam kết chung tay cùng với chính phủ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, hợp tác để đẩy lùi sự mất mát đa dạng sinh học vào năm 2030 để phát triển bền vững.

Nguồn TTXVN