Bới cát tìm rác

Bới cát tìm rác

24/06/2022

Sau bão, núi rác tấp về bãi biển xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Nhiều người đau xót khi bãi biển gần danh thắng địa chất Thạch Ky Điếu Tẩu đã không còn vẻ thơ mộng ngày nào. Ngay lập tức cuộc “bới cát tìm rác” được triển khai.

Bới cát tìm rác - Ảnh 1.

Nhân viên công ty môi trường, tình nguyện viên “Tử tế với Sa Kỳ” và người dân địa phương chung tay dọn rác làm sạch bãi biển xã Tịnh Kỳ – Ảnh: TR.MAI

Dưới cơn mưa nặng hạt, những người muốn trả lại cho thiên nhiên vẻ đẹp vốn có gồng mình gom rác. Và chuyện cứu lấy bãi biển này được nhóm “Tử tế với Sa Kỳ” tính đến tận 10 năm. Họ sẽ tiếp tục theo dõi, xử lý rác mỗi ngày và mong 10 năm rác trên bãi biển chỉ còn trong câu chuyện kể.

Rác lộ thiên, rác dưới cát

Dưới cơn mưa, anh Huỳnh Văn Thương, phóng viên Đài truyền hình Quảng Ngãi, vẫn cặm cụi với việc dọn rác. Chàng trai trẻ này được xem là thành viên chủ chốt trong việc giải quyết vấn nạn rác dọc các bãi biển tỉnh Quảng Ngãi.

Chuyện anh Thương phát động chương trình “Tử tế với Sa Cần” giải cứu núi rác ở cửa biển Sa Cần (huyện Bình Sơn) những năm trước từng tạo cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ khắp cả nước, chung tay xử lý rác thải ở các bãi biển. Lần này, cũng chính anh Thương đến tận nơi, quay clip núi rác ngập bãi biển xã Tịnh Kỳ và kêu gọi mọi người chung tay xử lý rác.

Sau lời kêu gọi của chàng trai tử tế với thiên nhiên ấy, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra hiện trường và hôm nay có cuộc giải cứu này. Anh Thương viết trên trang mạng xã hội cá nhân với sự trăn trở rất lớn trước thực trạng rác thải ngập ngụa, người dân sống chung với rác thải là nỗi đau với rất nhiều người yêu quý thiên nhiên và mong rác thải vĩnh viễn biến mất trong cuộc sống như anh Thương.

Cách đây 1 tuần, phóng viên Tuổi Trẻ cũng ghi nhận tình trạng rác thải ở Tịnh Kỳ, núi rác ấy quá khủng khiếp và hơn 90% là rác thải sinh hoạt. Người dân muốn ra biển phải bước trên đống rác thải bốc mùi hôi thối nồng nặc khi lẫn trong đó còn có cả xác động vật.

Tháng 4-2021, người dân địa phương và các tình nguyện viên trong chương trình “Tử tế với Sa Kỳ” đã đến và dọn sạch bờ biển này. Nhưng chỉ qua một mùa bão, người dân đón nhận bãi rác còn lớn hơn. Chú Nguyễn Cư (xã Tịnh Kỳ) tham gia dọn rác cho biết: “Toàn bộ rác này ở địa phương khác theo sông chảy ra cửa biển và tấp vào bãi biển. Có sáng thức dậy, rác dày thêm cả gang tay”.

Bới cát tìm rác - Ảnh 2.

Bãi biển trước khi dọn (chụp ngày 1-1-2022) – Ảnh: TRẦN MAI

Ra tay giải cứu

Rác thải ở bờ biển xã Tịnh Kỳ không chỉ lộ thiên mà còn ẩn dưới lớp cát, dù ý thức của người dân nơi đây đã tốt lên nhưng hàng chục năm qua, bãi biển này “gánh” biết bao nhiêu rác mà biển đã “giấu đi” bằng những lần sóng vỗ.

Công ty Môi trường đô thị Quảng Ngãi đã cử 13 xe cơ giới, 30 nhân công phối hợp với người dân địa phương và các tình nguyện viên “giải cứu”. Con người đi trước với cuốc, xẻng, cào dọn rác thải trên mặt. Phía sau, xe đào xới tung lòng cát, gàu múc đến đâu, rác ngồn ngộn đến đó.

Chị Nguyễn Thị Nga (xã Tịnh Kỳ) tham gia dọn rác kể về một thời sóng biển tràn vào bãi cát vàng óng. Chị Nga lớn lên với ký ức đẹp ấy. Nhưng rồi chị càng lớn, bờ biển ngày một tệ hơn, rác thải đã dần xóa đi hình ảnh những đứa trẻ nô đùa bên chân sóng. Chỉ còn người lớn vì gánh mưu sinh phải bước trên rác ra biển.

Hôm nay, chị Nga tham gia dọn rác với mong muốn ký ức thật đẹp về bãi biển quê nhà sẽ trở lại, thế hệ con, cháu của chị sẽ như thời chị, lớn lên bên bãi biển với đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ.

“Tôi nghĩ lần giải cứu bãi biển này sẽ lấy bớt rác khỏi bãi biển. Còn muốn sạch đẹp phải bắt đầu từ ý thức của toàn dân. Tôi nghĩ việc dọn rác là trách nhiệm của thế hệ mình, không thể chờ đến thế hệ con cháu được”, chị Nga tâm sự.

Chiếc xe đào hoạt động hết công suất nhả khói đen ngòm, bên cạnh là bóng những người không quản ngại mưa gió dọn rác tạo nên niềm tin bãi biển này mỗi ngày sẽ sạch đẹp hơn. Đâu đó trong nỗi niềm của mình, anh Thương cảm thấy vui bởi không chỉ công ty môi trường, người dân địa phương mà nhiều tình nguyện viên đã chung tay.

Một nhóm tình nguyện viên hợp sức kéo chiếc bao nilông rất lớn, bên trong chứa rất nhiều bao nilông nhỏ và xác một con gà đã phân hủy bốc mùi nồng nặc nói rằng: “Chắc người xả cái bao này họ không biết anh em mình đang bở hơi tai đi dọn”.

Nhóm cứ lầm lũi tiếp tục công việc “bao đồng” của mình. Họ giúp nhau cởi áo mưa tiện lợi cho đỡ nóng dù trời đang mưa lớn và gió thổi lộng từ biển vào. Những người tham gia dọn rác bảo rằng đây chỉ là đợt “cấp cứu” cho bãi biển này, bởi mùa mưa bão nào rác cũng ngập ngụa như vậy.

Khi phía thượng nguồn còn xả rác thì phía hạ nguồn phải lãnh đủ. Tất cả đều do con người tạo ra lẽ tất yếu con người phải dọn dẹp. Chỉ là người xả ở nơi này, người dọn ở nơi khác.

Bới cát tìm rác - Ảnh 3.

Bãi biển sau khi dọn – Ảnh: TRẦN MAI

Kế hoạch 10 năm

“Tử tế với Sa Kỳ” là chương trình dọn sạch các bãi biển bao quanh cửa biển Sa Kỳ, những năm qua các đợt dọn rác của những người trẻ kết hợp với người dân địa phương vẫn âm thầm diễn ra. Có rác là có người dọn. Với nhiều người đó gần như là việc làm vô ích khi “vòng tròn” kẻ vứt rác người đi dọn cứ lặp đi lặp lại.

Nhưng với anh Thương, nhìn vào cửa biển Sa Cần sạch đẹp, người dân các xã thượng nguồn sông Trà Bồng cam kết không xả rác, còn người dân ở cửa biển Sa Cần chủ động dọn rác khi có bao nilông nào trôi dạt bãi biển, anh và những người cùng chí hướng lại có thêm niềm tin không chỉ bãi biển xã Tịnh Kỳ mà các bãi biển ở quanh cửa biển Sa Kỳ sẽ không còn rác nữa.

Anh Thương bảo rằng: “Dọn rác không phải là việc vô ích, rồi đâu lại vào đấy. Mà dọn rác là để làm sạch dần dần, đánh động trách nhiệm của từng người và dọn rác cũng là làm việc thiện”.

Núi rác dù chưa được dọn xong, nhưng nhìn hình ảnh một tuần trước và sau khi dọn cũng khiến anh Thương hài lòng. Thêm một niềm vui nữa là người dân địa phương chủ động tham gia mà không cần phải vận động. Có lẽ những người xa lạ đến làm sạch môi trường sống cho mình cũng đủ để người dân quyết tâm bảo vệ bãi biển trước làng mình hơn.

Nói như ông Nguyễn Cư: “Tôi mong phía thượng nguồn không xả rác nữa thì rác tồn đọng vài chục năm qua người dân sẽ dần dần dọn sạch”. Chẳng cần những câu khẩu hiệu hay những lần ra quân, ý thức được vun vén từ những việc làm bé nhỏ mà thiết thực.

Anh Nguyễn Hữu Bảo Linh, phó bí thư Xã đoàn Tịnh Kỳ, chung tay dọn rác đã lên hẳn một kế hoạch cho những ngày sắp đến. Những người trẻ ở xã Tịnh Kỳ ngày cuối tuần sẽ đi bãi biển này dọn rác. Họ quyết tâm không để công sức của rất nhiều người hôm nay trở nên vô nghĩa trong tương lai.

Anh Linh nói: “Chúng tôi sẽ phát động ngày chủ nhật xanh và các bạn trẻ ở xã Tịnh Kỳ sẽ làm tiên phong dọn rác thải tấp vào bãi biển. Tiếp đến sẽ là tất cả người dân chỉ cần thấy rác là dọn dẹp vào đúng nơi quy định mà không cần quan tâm ai xả ra”.

Xa hơn sẽ là 10 năm nữa, các thành viên trong chương trình “Tử tế với Sa Kỳ” tiếp tục theo dõi câu chuyện rác thải và họ sẽ còn đồng hành với cư dân “chiến đấu” đến cùng để bảo vệ thiên nhiên. Những điểm đỏ môi trường hôm nay sẽ trở thành điểm xanh của du lịch, dịch vụ trong tương lai. Bãi biển sẽ không còn chứa rác mà chào đón du khách đến tham quan.

Đổi ngày công dọn rác lấy quà

Không chỉ kêu gọi “giải cứu” rác, nhóm “Tử tế với Sa Kỳ” còn triển khai chương trình “đổi công dọn rác lấy quà tặng”. Quà tặng dành cho bất kể người dân nào ở xã Tịnh Kỳ tham gia dọn rác đúng 1 buổi sẽ tùy chọn 1 suất quà là 1 vật phẩm như giỏ nhựa đi chợ, dầu ăn, bột ngọt, đường…

Những phần quà mang giá trị tinh thần nhiều hơn vật chất để các bạn đoàn viên thanh niên, hội viên Hội phụ nữ tại xã Tịnh Kỳ khuyến khích đoàn viên, hội viên tham gia. Sau đó dùng quà tặng để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Xa hơn, nhóm “Tử tế với Sa Cần” mong muốn những phần quà ấy như một lời nhắc nhớ mọi người chung tay vì những bãi biển sạch đẹp, bắt đầu từ chính ý thức của mỗi người.

Nguồn: https://tuoitre.vn/boi-cat-tim-rac-20220109231936655.htm
Tìm thấy hạt vi nhựa trong cá khô ở nhiều nước châu Á

Tìm thấy hạt vi nhựa trong cá khô ở nhiều nước châu Á

17/06/2022

Các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong các sản phẩm cá khô trên khắp châu Á, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản, theo một nghiên cứu được Đại học Tôn Trung Sơn của Đài Loan (NSYSU) thực hiện.

Tìm thấy hạt vi nhựa trong cá khô ở nhiều nước châu Á - Ảnh 1.

Cá khô là món ăn phổ biến ở nhiều nước châu Á – Ảnh chụp màn hình Taiwan News

Nhóm nghiên cứu do giáo sư Hung Ching Chang (Trường Khoa học biển của NSYSU) dẫn đầu đã nghiên cứu 14 lô cá khô biển từ 7 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á để xem xét các loại cá khô đang bị ô nhiễm như thế nào bởi hạt vi nhựa.

Kết quả cho thấy về nồng độ ô nhiễm nhựa, các mẫu cá từ Nhật Bản đứng đầu, tiếp theo là Trung Quốc, Sri Lanka.

Họ phát hiện một loại cá trích tròn được đánh bắt dọc theo bờ biển phía đông nam của Nhật Bản bị ô nhiễm nặng nhất trong số các mẫu được nghiên cứu.

Nhóm nghiên cứu của NSYSU cho rằng kết quả này là do các vùng biển Đông Bắc Á xung quanh Nhật Bản là điểm nóng của tình trạng ô nhiễm do hạt vi nhựa. Đây là khu vực có nồng độ hạt vi nhựa cao hơn hẳn so với các vùng biển còn lại trên thế giới.

Tìm thấy hạt vi nhựa trong cá khô ở nhiều nước châu Á - Ảnh 2.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Hung trình bày kết quả nghiên cứu ngày 2-5 – Ảnh: FOCUS TAIWAN

Theo nghiên cứu, 75,9% mẫu của các loài cá trích tròn từ Nhật Bản (tên gọi chính thức là Etrumeus micropus) có chứa hạt vi nhựa. Một lô cá trích tròn của Nhật Bản có số lượng vi nhựa trung bình trên một gam cá khô là 0,56, cao nhất trong các mẫu nghiên cứu.

Con số đó vượt xa mẫu cá cát khô Thái Bình Dương lấy ở Trung Quốc, với 40% mẫu có chứa vi hạt nhựa.

Các loài khác được nghiên cứu công bố có hạt vi nhựa là cá trích tròn thân mỏng từ Sri Lanka (30%), cá cơm mũi ngắn từ Hàn Quốc (12,5%) và các loài cá trích tròn nói chung từ Đài Loan (3,2%) và Thái Lan (0,2%).

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng loại polymer nhiều nhất được tìm thấy trong các mẫu cá khô là polyethylene, vốn thường được sử dụng để sản xuất túi nhựa, chai và bình sữa.

“Nghiên cứu này rất quan trọng vì cá khô biển là một món ăn phổ biến ở các nước châu Á”, trang Taiwan News dẫn lời giáo sư Hung, nhận định.

Trước mắt, theo ông Hung, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để đánh giá tác động thực tế đến sức khỏe con người nếu ăn phải những loại cá khô nhiễm vi nhựa. Các nghiên cứu đó có thể góp phần xây dựng, cập nhật các quy định mới về an toàn thủy sản.

Hạt vi nhựa là thuật ngữ được đưa ra bởi nhà nghiên cứu về hệ sinh thái biển và đại dương Richard Thompson vào năm 2004, trong đó ông mô tả đây là các hạt có “đường kính nhỏ hơn 5mm”.

Kể từ đó, các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa ở khắp mọi nơi từ các đại dương lớn trên thế giới, trong băng tuyết ở Bắc Cực và Nam Cực, trong động vật có vỏ, muối ăn, nước uống.

Vào tháng 3-2022, các nhà khoa học tại Đại học Vrije Universiteit (Amsterdam, Hà Lan) đã công bố một phát hiện chấn động khi các hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong máu người. Một nửa số mẫu máu trong nghiên cứu chứa nhựa PET, loại nhựa thường được sử dụng trong chai đựng đồ uống.

Ngoài ra, 1/3 mẫu chứa polystyrene, loại nhựa được sử dụng để đóng gói thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng khác, 1/4 số mẫu chứa polyetylen – loại nhựa trong túi nilông.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Hull (Anh) phát hiện rằng chỉ riêng phòng khách có thể khiến chúng ta tiếp xúc với hơn 24.000 hạt vi nhựa mỗi ngày.

CHẤN PHONG
Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa

17/06/2022

Chứng kiến rác thải nhựa gây ra cái chết của các loài sinh vật, Mbongeni Buthelezi, một họa sĩ người Nam Phi, đã sử dụng phế liệu nhựa để tạo nên những bức tranh tuyệt đẹp nhằm truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường.

Bức tranh chân dung của nghệ sĩ Mbongeni Buthelezi được làm từ những chai nhựa – Ảnh CNN
Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 2.

Bức tranh làm từ nhựa mang tên “Nobuhle” (Nữ hoàng sắc đẹp) – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 3.

Kỷ niệm thời ấu thơ tại vùng nông thôn ở KwaZulu-Natal (Nam Phi) đã giúp Mbongeni Buthelezi tạo ra tác phẩm “Bóng đá đường phố” – Ảnh: CNN.

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 4.

Bức tranh mang tên “Cô gái” do nghệ sĩ Mbongeni Buthelezi tạo ra từ nhựa – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 5.

Đa số tranh do bàn tay Mbongeni Buthelez vẽ nên đều được lấy cảm hứng từ cuộc sống hoặc những kỷ niệm đẹp của ông. Bức tranh “Tebogo và những người bạn” là một trong số các tác phẩm đó – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 6.

Tranh mang tên “Cảnh quan Soweto 1”, Soweto là một thị trấn của thành phố Johannesburg ở Gauteng (Nam Phi) – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 7.

Khi còn là một sinh viên, Mbongeni Buthelez đã sử dụng rất nhiều màu sắc và kết cấu khác nhau của rác thải nhựa nhằm tạo ra những bức tranh mà không cần dùng sơn dầu. Và “Công trường” chính là bức tranh như thế – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 8.

Tác phẩm “Chân dung của một cậu bé” được Mbongeni Buthelezi áp dụng phương pháp làm tan chảy nhựa từ cây súng nhiệt của riêng mình để tạo ra màu sơn cho tranh – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 9.

Bức tranh “Phụ nữ” do Mbongeni Buthelezi tạo nên – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 10.

Mbongeni Buthelezi chia sẻ thu gom rác thải nhựa để tạo ra những bức tranh có thể giúp ông góp phần vào việc giảm thiểu rác thải nhựa ở Nam Phi. Hình trên là bức tranh mang tên “Người đàn ông” – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 11.

Bức tranh “Cảnh quan Soweto 2” mô tả nơi sinh sống với nhiều rác thải nhựa bao quanh – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 12.

Tác phẩm “không tiêu đề” của nghệ sĩ Mbongeni Buthelezi – Ảnh: CNN

Những bức tranh tuyệt đẹp từ rác thải nhựa - Ảnh 13.

Tác phẩm “Có gì cho bữa tối tối nay?” cũng như những tác phẩm còn lại đều được Mbongeni Buthelezi thực hiện từ nguyên liệu rác thải nhựa. Chia sẻ về điều này, nghệ sĩ 56 tuổi cho biết ông đang là tấm gương phản ánh những gì xảy ra với cuộc sống. Và nhựa, rất nhiều nhựa chính là những gì mà tấm gương Buthelezi đang phản ánh – Ảnh: CNN

HOÀI NHÂN
Phát hiện thêm một loại ô nhiễm nhựa mới

Phát hiện thêm một loại ô nhiễm nhựa mới

17/06/2022

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học La Laguna (Tây Ban Nha) đã phát hiện một loại ô nhiễm nhựa mới, là sự kết hợp giữa những mảnh nhựa đầy màu sắc và những cục hắc ín cứng ở ven biển.

Phát hiện thêm một loại ô nhiễm nhựa mới - Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu nhanh chóng nhận ra sự kết hợp giữa hắc ín và vi nhựa không giống bất kỳ chất ô nhiễm nào họ thấy trước đây. Họ đã đặt tên cho nó là “plastitar”, theo báo Guardian ngày 14-6.

“Sự hiện diện của nhựa trong môi trường không còn chỉ giới hạn ở chai lọ hay vi nhựa trôi dạt trên biển. Trong trường hợp này là sự kết hợp của hai chất gây ô nhiễm”, phó giáo sư Javier Hernandez Borges, làm việc tại Đại học La Laguna và là người đặt thuật ngữ plastitar, cho biết.

Nhóm nghiên cứu tình cờ phát hiện plastitar hơn hai năm trước. Nghiên cứu mới công bố của nhóm ông Borges đã đề cập đến phát hiện này và mô tả “plastitar” là “mối đe dọa chưa thể giải quyết” đối với môi trường ven biển.

Plastitar được hình thành từ cặn dầu tràn trên đại dương bốc hơi và đông đặc, trôi dạt như những quả cầu hắc ín vào các bờ đá của quần đảo Canary, Tây Ban Nha. Sóng biển mang theo vi nhựa hoặc các mảnh nhựa dạt vào bờ và dính vào những quả cầu này tạo thành plastitar.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy plastitar dọc theo nhiều bờ biển của quần đảo Canary, nơi có tuyến đường chính mà các tàu dầu thường đi qua. Tuy nhiên, nhóm cho rằng có khả năng dạng ô nhiễm nhựa này đã có mặt trên khắp thế giới.

Dù cần thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận tác động của plastitar với môi trường, các nhà nghiên cứu tin rằng sự kết hợp giữa vi nhựa và hydrocacbon có trong hắc ín có thể rò rỉ các hóa chất độc hại, đe dọa sự sống của các loài sinh vật như tảo.

ANH THƯ
Cứu san hô chết ở khu bảo tồn Hòn Mun: Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm hơn

Cứu san hô chết ở khu bảo tồn Hòn Mun: Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm hơn

13/06/2022

Sáng 13-6, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết Tỉnh ủy Khánh Hòa đã yêu cầu UBND tỉnh làm rõ tình trạng, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục rạn san hô khu bảo tồn Hòn Mun, báo cáo kết quả cho Tỉnh ủy trước ngày 19-6.

Cứu san hô chết ở khu bảo tồn Hòn Mun: Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm hơn - Ảnh 1.
San hô ở khu bảo tồn biển Hòn Mun bị gãy đổ, hư hại hàng loạt – Ảnh: MAI KHA

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa giao UBND tỉnh chỉ đạo việc kiểm tra làm rõ những nội dung báo chí nêu, từ đó đánh giá thực chất công tác bảo tồn rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, làm rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 19-6.

Trước thông tin này, anh Nguyễn Văn Đức – thợ lặn chuyên nghiệp tại TP Nha Trang – cho rằng: “Chính quyền và các cơ quan cần phải vào cuộc sớm hơn nữa để cứu lấy những rạn san hô ngay từ bây giờ. Việc kiểm tra xử lý của Ban quản lý vịnh Nha Trang chủ yếu trên mặt nước, cần phải thường xuyên lặn xuống để theo dõi, xem san hô sinh trưởng như thế nào, đó mới là biện pháp bảo vệ san hô lâu dài”.

Trong khi đó, ông Huỳnh Bình Thái, trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang, cho biết ngày 12-6, ban quản lý vịnh cùng một số đơn vị liên quan, các nhà khoa học đã đi khảo sát các khu vực san hô hư hại trong vịnh Nha Trang.

Theo ông Thái, đoàn kiểm tra xác định phần lớn san hô ở Hòn Mun bị hư hại, tuy nhiên san hô không bị ảnh hưởng nhiều ở khu vực nước sâu như Hòn Rơm. Đặc biệt, san hô bãi Triều khu vực Hòn Chồng có tốc độ phát triển tốt, đa dạng chủng loài.

Cứu san hô chết ở khu bảo tồn Hòn Mun: Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm hơn - Ảnh 2.

Một khối san hô chết – Ảnh: MAI KHA

Cứu san hô chết ở khu bảo tồn Hòn Mun: Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm hơn - Ảnh 3.

Bên cạnh tác nhân từ thiên nhiên còn có tác động từ con người như xả thải, san lấp biển – Ảnh: VĂN ĐỨC

Theo ông Thái, sau chuyến khảo sát ngày 12-6, dự kiến ngày 14-6, UBND TP Nha Trang, ban quản lý vịnh và các cơ quan chức năng, cơ quan khoa học sẽ họp các ban ngành để sơ bộ đánh giá, tìm nguyên nhân, từ đó bàn giải pháp phục hồi và bảo tồn.

Sắp tới tại khu vực Hòn Mun, Ban quản lý vịnh Nha Trang sẽ lắp camera toàn bộ nơi đây để quan sát hình ảnh tàu thuyền. Nếu tàu vào khu vực cấm sẽ trích xuất camera để đề nghị lực lượng biên phòng xử phạt khi không có lực lượng tuần tra tại chỗ.

Đồng thời, ban quản lý cho biết sẽ thường xuyên phối hợp các câu lạc bộ lặn thực hiện lặn đúng vùng biển, không giẫm lên san hô; nhờ sự chung tay của các doanh nghiệp để nâng cao ý thức của khách du lịch trong việc bảo vệ các rạn san hô trong vịnh.​

Giao 28ha mặt nước thí điểm phục hồi san hô trong vịnh Nha Trang

53dcdf1d5bec9bb2c2fd

Các chuyên viên theo dõi sự phát triển của san hô trong quá trình ươm trồng – Ảnh: THỤC NGHI

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định giao hơn 28ha mặt nước biển tại phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang cho Công ty CP Vạn San Đảo thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học vùng biển ven bờ Bãi Tiên.

Dự án đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Dự án sẽ sử dụng 1,9ha đáy biển trước đây không có san hô, có độ sâu 4 – 4,5m để làm rạn nhân tạo.

Đại diện Công ty CP Vạn San Đảo cho biết: “Hiện đơn vị đang phối hợp với cán bộ Viện Hải dương học trồng thử nghiệm thành công hơn 600 giá thể san hô sừng hươu. San hô này được lấy từ nguồn gãy đổ sau mưa bão để ươm. Các giá thể san hô phát triển tốt dài hơn 10cm so với thời điểm ban đầu. Đơn vị đã di dời thử nghiệm ra môi trường bên ngoài với kết quả san hô tiếp tục phát triển”.

Rạn san hô nhân tạo được làm bằng chất liệu rỗng, không độc hại để có thể di dời san hô được ươm đến nơi phục hồi. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm với tổng chi phí gần 15 tỉ đồng.

MINH CHIẾN

Măng Đen hoang sơ – nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên

Măng Đen hoang sơ – nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên

13/06/2022

Nếu yêu thích những điểm du lịch mới mẻ, hoang sơ, bạn không thể bỏ qua Măng Đen – mảnh đất với những rừng thông bạt ngàn, những ngọn thác hùng vĩ và con đường đất đỏ chân phương.

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 1.

Măng Đen hay còn gọi là Đắk Long – một thị trấn nhỏ thuộc huyện Kon Plông, nằm ở phía Đông tỉnh Kon Tum. Đây là vùng đất đồng bào dân tộc Mơ Nâm sinh sống, với ý nghĩa là vùng đất bằng phẳng rộng lớn. Họ đặt tên cho nơi đây là T’măng Deeng (tiếng của người Mơ Nâm). Đây cũng là nguồn gốc của cái tên Măng Đen.

Trước kia, người Pháp đã tìm đến Măng Đen khảo sát và chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng. Họ đưa cây thông đến trồng ở vùng đất này, ý định tạo nên một Đà Lạt thứ 2 của vùng đất Tây Nguyên.

Với diện tích rừng bao phủ 93,31% diện tích tự nhiên, trong đó rừng nguyên sinh chiếm hơn 75%, Măng Đen là một nốt nhạc trầm lắng bí ẩn mà bất cứ con tim nào cũng thổn thức muốn khám phá.

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 2.
Măng Đen sở hữu nhiều rừng thông cổ thụ rộng lớn, nhiều hồ thác, suối đá và cảnh quan tuyệt đẹp

Khí hậu của Măng Đen

Bạn có thể ghé Măng Đen vào bất cứ mùa nào trong năm, bởi khí hậu rất dễ chịu, quanh năm mát mẻ và thuận lợi tham quan du lịch. Nhiệt độ trung bình khoảng 18-25 độ, se lạnh một chút vào buổi sáng và tối, buổi trưa có nắng nhưng cũng rất dễ chịu, không hề rát.

Mỗi mùa ở Măng Đen có những điểm hấp dẫn khác nhau mà bạn có thể tùy sở thích để khám phá. Từ tháng 1 đến tháng 5, thời tiết tại đây mát mẻ, thoải mái không khác gì Đà Lạt. Du khách có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, ngắm các loài hoa mai anh đào, hoa ban, hoa sim tím…

Tháng 6 đến tháng 8, nhiệt độ cao hơn một chút nhưng cũng không vượt quá 26 độ, lúc này du khách có thể hòa mình vào sắc vàng óng ả của lúa chín trên các thửa ruộng bậc thang, ngắm hoa mâm xôi…

Những tháng cuối năm, Măng Đen bước vào mùa đông, du khách có thể trải nghiệm cái lạnh giá của Măng Đen, hái sim rừng, táo mèo, hòa mình với mùa hoa dã quỳ…

Những mảnh ruộng bậc thang uốn lượn giữa mênh mông núi rừng

Di chuyển đến Măng Đen

Có độ cao trung bình từ 1.000-1.200m so với mặt nước biển, ở giữa đèo Măng Đen và đèo Violăk trên quốc lộ 24, đây là địa điểm đầy thách thức đối với người yêu du lịch khám phá. Để đến được Măng Đen, du khách có thể đi bằng máy bay hoặc ngồi xe khách.

Từ các sân bay ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… du khách đáp xuống sân bay Pleiku. Sân bay này cách Măng Đen khoảng 100km, du khách có thể đi taxi, xe đưa đón của khách sạn hoặc xe buýt để tới được Măng Đen.

Nếu bạn chọn đi xe khách từ TP.HCM, bạn có thể ra bến xe Miền Đông, tại đây đã có một số nhà xe chạy trực tiếp tới Măng Đen. Xe thường xuất phát vào buổi chiều, chỉ cần lên xe ngủ một giấc, sau 14-16 tiếng thì sáng hôm sau bạn đã thức dậy đón bình minh tại Măng Đen.

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 4.
Trải qua một tuyến đường dài, du khách sẽ choáng ngợp trước một Măng Đen hùng vĩ, giữ nguyên vẹn được vẻ đẹp hoang sơ

Địa điểm du lịch tại Măng Đen

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 5.

Măng Đen đẹp từ những cung đường, chỉ cần lái xe máy đi dọc theo những con đường đất, hít thở bầu không khí trong lành, nghe tiếng gió lùa qua những tán cây là du khách có thể yêu mến nơi này ngay từ lần đầu ghé thăm.

Mảnh đất Măng Đen dường như nằm ngoài vòng quay của công nghiệp hóa, đến đây du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng nguyên sinh, với những rừng cây cổ thụ rộng lớn, thác nước, suối đá và những mảnh ruộng bậc thang tuyệt đẹp.

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 6.

Các cung đường ở Măng Đen đẹp và hấp dẫn, rất phù hợp cho các bạn trẻ yêu phượt đi trekking. Trải qua những con đèo uốn lượn, dừng chân lại trên ngọn dốc, cả trời mây Măng Đen như thuộc về bạn vậy

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 7.

Một điểm đến thú vị mà bạn nên ghé qua khi đến Măng Đen là chùa Khánh Lâm. Chùa được xây dựng từ năm 2012 với diện tích 10ha trên một ngọn đồi nguyên sinh, cao trên 1.200m

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 8.

Từ chân đồi men theo lối cổng tam quan, bạn sẽ leo hơn 200 bậc đá, hòa vào đại ngàn mênh mông, xa xa là ngôi chùa linh thiêng, ẩn hiện dưới những tán cây xanh mướt

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 9.

Hồ Đắk Ke, thác Đắk Ke là địa điểm du lịch được nhiều người yêu thích khi đến Măng Đen. Hồ Đắk Ke có diện tích khoảng 3ha là một hồ nằm trong truyền thuyết 7 hồ 3 thác của người dân nơi đây. Hồ Đắk Ke sở hữu không gian hoang sơ, mặt hồ trong xanh phản chiếu những ngọn núi bao quanh

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 10.

Đến đây du khách có thể tận hưởng các loại hình dịch vụ như tham quan chụp ảnh, cà phê, chèo thuyền, đạp xe…

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 11.

Nếu hồ Đăk Ke là hồ đẹp nhất thì thác Pa Sỹ là thác cao nhất của Măng Đen, du khách đến đây không thể bỏ qua hai địa điểm này. Thác Pa Sỹ nằm ở độ cao 1.500m, mang vẻ đẹp nguyên thủy từ thuở sơ khai. Thác được tạo thành bởi 3 dòng suối lớn nhất Măng Đen. Nhưng điều đặc biệt là thác Pa Sỹ không dữ dội như các ngọn thác nổi tiếng khác, mà dịu dàng như mái tóc của người thiếu nữ.

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 12.
Nhà rông – kiến trúc văn hóa độc đáo của vùng đất Tây Nguyên
Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 13.

Nằm trên tuyến đường di chuyển đến thác Pa Sỹ là khu vườn tượng gỗ – một địa điểm độc đáo được rất nhiều du khách yêu thích. Những bức tượng gỗ mộc mạc đã được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân tại Măng Đen thổi hồn vào, với nhiều sắc thái khác nhau, tái hiện cuộc sống thường ngày của đồng bào dân tộc nơi đây

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 14.

Nhắc đến vẻ đẹp của Măng Đen không thể không kể đến những mảnh ruộng bậc thang len lỏi giữa núi rừng trùng điệp, ôm lấy các bản làng dân tộc Mơ Nâm. Chỉ ít ngày nữa khi lúa chín, cả núi rừng Măng Đen sẽ được điểm tô sắc vàng óng ả, tạo nên bức tranh đẹp mắt

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 15.

Với địa hình bị chia cắt bởi núi và những con suối, có lẽ cầu treo là một nét đặc trưng của Măng Đen. Đến đây bạn đừng quên check-in cầu treo nhé

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 16.

Những rừng thông, đồi cỏ cũng là địa điểm được dân phượt yêu thích khi đến Măng Đen. Họ vẫn thường rỉ tai nhau rằng, đây là mảnh đất chữa lành mọi vết thương cho tâm hồn. Bỏ lại khói bụi ồn ào nơi phố thị, về đây nghe tiếng chim hót thánh thót bên rừng đồi, sống với sự hiền hòa của thiên nhiên và con người Măng Đen

Măng Đen hoang sơ - nốt nhạc trầm lắng giữa núi rừng Tây Nguyên - Ảnh 17.

Ngoài ra, nếu có nhiều thời gian, bạn có thể ghé thăm Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Bring, tượng Đức Mẹ Măng Đen, Ê Ban Farm… hay đơn giản là chọn cho mình một quán cà phê đẹp để hít thở bầu không khí thật trong lành, thưởng thức những đặc sản hấp dẫn của núi rừng như: cà phê, cơm lam ống tre, gà nướng Măng Đen, rau rừng xào tỏi…

KIM KIM – Ảnh: ĐÔ ĐÔ
Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ

13/06/2022

Nhắc đến Buôn Ma Thuột, ta nghĩ ngay đến những nếp nhà rông truyền thống, những ánh lửa bập bùng bên điệu múa cồng chiêng hoang dã và vườn cà phê bạt ngàn trên nền đất đỏ bazan màu mỡ.

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 1.

Với vẻ đẹp gần gũi với thiên nhiên, những năm gần đây Buôn Ma Thuột được giới trẻ yêu du lịch với cái tên “tiểu Bali” của Việt Nam

Buôn Ma Thuột được biết đến với bản sắc văn hóa rất phong phú, là nơi sinh sống của cộng đồng hơn 40 nhóm dân tộc thiểu số.

Nếu bạn yêu thích du lịch khám phá, gần gũi với thiên nhiên, Buôn Ma Thuột sẽ không làm bạn thất vọng. Không nổi tiếng với các dịch vụ du lịch giải trí, mảnh đất này làm say đắm lòng người bởi những khu rừng kỳ bí, những cánh đồng cà phê bạt ngàn, những ngọn thác thơ mộng và những điểm du lịch hoang sơ, bình dị…

Anh Trần Hoài Nam (sinh năm 1989, giáo viên tại địa phương) chia sẻ, đến với Buôn Ma Thuột du khách sẽ có những trải nghiệm đặc trưng chỉ có ở nơi đây, như thưởng thức cồng chiêng, uống rượu cần, đốt lửa trại, ở nhà sàn cùng đồng bào dân tộc… Đặc biệt an ninh rất tốt, con người thân thiện, nhiệt tình mến khách, các món ăn hấp dẫn, thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng gây lưu luyến lòng người.

Về thời tiết, Buôn Ma Thuột mang khí hậu đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên với hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Thời gian phù hợp nhất để du lịch Buôn Ma Thuột là vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Lúc này không có mưa, dịu mát, chưa quá nóng nực. Đây cũng là thời gian diễn ra các lễ hội của đồng bào dân tộc. Tháng 12 có hoa dã quỳ rực rỡ, tháng 2 đến tháng 3 có hoa cà phê thơ mộng.

Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, gây khó khăn di chuyển ở một số tuyến đường đất xa trung tâm.

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 2.

Thành phố Buôn Ma Thuột ẩn mình trên vùng Tây Nguyên tốt tươi với cảnh sắc thiên nhiên vừa thơ mộng, vừa hùng vĩ hoang sơ, có thể chinh phục mọi trái tim yêu du lịch

Buôn Ma Thuột là thành phố lớn của Đắk Lắk, có hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng hiện đại, thuận lợi di chuyển đến các địa phương khác. Từ Hà Nội hay TP.HCM, du khách có thể bay thẳng đến sân bay Buôn Ma Thuột. Từ sân bay vào đến trung tâm thành phố chỉ khoảng 10km, bạn có thể đi xe ôm hay đi taxi. Bên cạnh đó bạn có thể đi xe khách từ TP.HCM, thời gian di chuyển khoảng 8 tiếng, từ 21h đến 5h sáng hôm sau là đến nơi.

Đường sá khá đẹp, tuy nhiên các điểm tham quan lại khá xa trung tâm. Du khách có thể đi theo tour có xe ôtô đưa đón, hoặc thuê xe máy để trải nghiệm những cung đường tuyệt đẹp.

Đến xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ, bạn không thể bỏ qua các địa điểm du lịch nổi tiếng như: đá Voi Mẹ, Buôn Đôn, hồ Ea Kao, rừng khộp Buôn Đôn, cụm 3 thác Dray Sap – Dray Nur – Gia Long, chùa Sắc Tứ Khải Đoan… và thưởng thức đặc sản mang hương vị núi rừng.

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 3.

Cụm 3 thác Dray Sap, Dray Nur và Gia Long thuộc dòng sông Sêrêpôk nổi tiếng. Nơi đây cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25km đi theo quốc lộ 4. Đây là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của mảnh đất Tây Nguyên, dòng thác hùng vĩ với nước trong vắt, mát lạnh, xung quanh là rừng núi bạt ngàn

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 4.

Cụm 3 thác có truyền thuyết về tình yêu của một đôi nam nữ, tuy bi thương nhưng cũng thật đẹp. Quanh thác là rừng cây cổ thụ cao to, che kín lối đi. Ánh mặt trời chiếu qua kẽ lá tạo nên cảnh sắc thiên nhiên như một bức tranh thủy mặc hữu tình, lay động lòng người

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 5.

Đá Voi Yang-tao cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km theo hướng quốc lộ 7. Cụm đá Voi Yang-tao gồm đá Voi Cha và đá Voi Mẹ, nằm cách nhau khoảng 5km. Hai phiến đá có hình giống chú voi hiện lên sừng sững giữa núi rừng Tây Nguyên

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 6.

Đá Voi Mẹ có chiều dài tới 200m, chiều cao hơn 30m, được biết đến là tảng đá nguyên khối lớn nhất nước ta. Đá Voi Mẹ cũng là nơi check-in yêu thích của giới trẻ khi đến mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 7.

Hồ Ea Kao cách trung tâm thành phố khoảng 12km về phía đông nam, là một hồ nước ngọt lớn nhất Buôn Ma Thuột. Tuy là hồ nhân tạo nhưng nơi đây có cảnh quan thiên nhiên đẹp, bình yên, không khí mát mẻ. Xung quanh hồ là đại ngàn núi rừng, những bãi cỏ xanh mướt, hệ động thực vật đa dạng, lấp ló phía xa là những buôn làng hoang sơ

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 8.

Buôn AKô Đhông được biết đến là buôn duy nhất hiện giờ còn giữ được dáng dấp, nét độc đáo của một buôn làng người Ê Đê. Nơi đây cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 2km về hướng bắc. Những năm gần đây, buôn được chính quyền quan tâm xây dựng và phát triển du lịch. Đến đây du khách sẽ được trải nghiệm nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Ê Đê

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 9.

Bảo tàng Thế giới cà phê, hay còn được gọi là làng cà phê Trung Nguyên, là một điểm đến mới đầy hấp dẫn của mảnh đất thủ phủ cà phê Tây Nguyên. Đến đây du khách được tìm hiểu về các loại cà phê cũng như lịch sử của ngành cà phê thế giới

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 10.

Nơi đây thu hút du khách đến tham quan, check-in bởi lối kiến trúc độc đáo là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc nhà dài của người dân Tây Nguyên và kiến trúc hiện đại

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 11.

Chùa Sắc Tứ Khải Đoan được biết đến là ngôi chùa cổ lớn nhất của thành phố Buôn Ma Thuột. Nơi đây hấp dẫn du khách bởi bề dày lịch sử cùng với nét kiến trúc độc đáo. Đây là ngôi chùa cuối cùng ở Việt Nam được phong sắc tứ của chế độ phong kiến. Chùa có tông màu nâu vàng, kiến trúc mang phong cách nhà sàn Tây Nguyên kết hợp với kiến trúc nhà rường của Huế tạo nên sự cổ kính, trang nghiêm

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 12.

Buôn Đôn là điểm du lịch nổi tiếng cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 42km. Nơi đây sở hữu rừng khộp – rừng thưa lá rộng, rụng lá vào mùa khô, tại Việt Nam chỉ có duy nhất tại Tây Nguyên. Đến chiêm ngưỡng rừng khộp, du khách có thể cắm trại, lang thang ngắm cảnh, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng như trời Âu

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 13.

Đến với đại ngàn Tây Nguyên du khách cũng đừng bỏ qua các vườn cà phê, ca cao… bát ngát của người dân địa phương, khám phá cách thức chăm sóc, thu hoạch, chế biến nông sản

Về xứ sở cà phê khám phá mảnh đất Tây Nguyên hoang sơ - Ảnh 14.

Du khách còn được tham quan những khu du lịch tuyệt đẹp, thưởng thức các món ăn đặc sản vùng núi như: gà nướng cơm lam, heo đồng bào, cá lăng sông Sêrêpôk, các món thịt rừng, rau rừng… được chế biến theo hương vị của người đồng bào nơi đây, rất đậm vị vùng núi

KIM KIM – Ảnh: TRẦN HOÀI NAM
Cả hecta rừng nội ô Đà Lạt bị cưa sạch

Cả hecta rừng nội ô Đà Lạt bị cưa sạch

03/06/2022

Hàng trăm cây thông trên diện tích khoảng 1 hecta rừng nội ô Đà Lạt đã bị đốn hạ. Vụ việc xảy ra tại tiểu khu 148B (rừng phòng hộ Lâm Viên, P.8, TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

Cả hecta rừng nội ô Đà Lạt bị cưa sạch - Ảnh 1.

Thông rừng nội ô Đà Lạt bị phá trên diện tích lớn – Ảnh: M.V.

Ngày 17-5, cơ quan chức năng TP Đà Lạt và chủ rừng đã đo đếm, khám nghiệm hiện trường, phục vụ công tác điều tra, truy tìm thủ phạm phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 148B, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Viên quản lý.

Ghi nhận tại hiện trường có hàng trăm cây thông 3 lá đường kính gốc 20 – 60cm mới bị cưa hạ còn ứa nhựa, lá còn xanh nằm ngổn ngang. Cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm đếm cụ thể số lượng cây thông bị thiệt hại, ước tính có khoảng 200 cây thông bị hạ. Những cây gỗ thông này vẫn còn nguyên tại hiện trường và chưa được vận chuyển ra ngoài.

Cả hecta rừng nội ô Đà Lạt bị cưa sạch - Ảnh 2.

Nguyên trảng rừng bị phá trong thời gian dài – Ảnh: M.V.

Hạt Kiểm lâm TP Đà Lạt cho biết vị trí rừng bị phá nằm ở địa bàn hiểm trở, giữa rừng, không có đường đi, không giáp nương rẫy. Những cây thông bị đốn hạ tại hiện trường có màu lá từ xanh, vàng úa đến cháy đỏ khác nhau theo từng khu vực. Do đó, có thể thấy vụ phá rừng diễn ra trong nhiều ngày, nhiều đợt.

Tại hiện trường, ngoài xác thông, còn có nhiều vỏ chai nước, bao bì đựng thức ăn, can đựng xăng nghi của người phá rừng bỏ lại.

Nguồn: https://tuoitre.vn/ca-hecta-rung-noi-o-da-lat-bi-cua-sach-20220517174004786.htm
Liên minh châu Âu khởi động dự án 5 triệu euro bảo vệ rừng nam Tây Nguyên

Liên minh châu Âu khởi động dự án 5 triệu euro bảo vệ rừng nam Tây Nguyên

03/06/2022

Ngày 3-6 ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo khởi động dự án Quản lý cảnh quan bền vững toàn diện thông qua cách tiếp cận địa bàn phát triển bền vững, không gây mất rừng tại Lâm Đồng và Đắk Nông.

Liên minh châu Âu khởi động dự án 5 triệu euro bảo vệ rừng nam Tây Nguyên - Ảnh 1.

Tại Lâm Đồng, dự án quản lý cảnh quan bền vững, toàn diện, không gây mất rừng triển khai tại huyện Lạc Dương, nơi có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang – Ảnh: M.V.

Dự án do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP, có trị giá 5 triệu euro, triển khai trong giai đoạn 2022 – 2026.

Ông Jesus Lavina, tham tán thứ nhất – phó trưởng ban hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Châu Âu rất ủng hộ các sản phẩm nông nghiệp và nhiều sản phẩm khác có xuất xứ từ Việt Nam. Chúng tôi có định hướng trên toàn châu Âu trong thời gian tới trên mỗi sản phẩm tiêu dùng người dân sử dụng không liên quan đến mất rừng tại Việt Nam và trên toàn cầu. Điều này khiến chúng tôi nỗ lực đầu tư vào dự án phát triển rừng bền vững tại Việt Nam. Song song là nghiên cứu các phương thức phát triển kinh tế không gây mất rừng để tạo cơ chế cho hoạt động kinh tế sau này”.

Ông Lê Quốc Doanh, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Tây Nguyên là địa bàn quan trọng ở nhiều phương diện. Đây là thủ phủ để phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê với 700.000ha. Tây Nguyên là vùng bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Do đó, dự án với những kế hoạch để phát triển kinh tế không gây mất rừng tại nam Tây Nguyên là rất cần thiết. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 13 tỉ USD các sản phẩm có liên quan tới rừng. Kinh tế rừng có vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, giữ rừng nhưng phải tạo sinh kế cho người dân trong khu vực, hai nội dung này đi liền với nhau mới có thể phát triển rừng bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất 4 kết quả cần đạt được: Xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả bao gồm công tác quản lý và lập quy hoạch sử dụng đất tổng thể được tăng cường ở cả cấp huyện và cấp tỉnh; Tạo các mô hình tiêu chuẩn về sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có năng suất cao được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ sinh thái; Môi trường tài chính được cải thiện với các sáng kiến tăng nguồn đầu tư và cải thiện quan hệ đối tác nhằm xúc tiến chuyển đổi theo hướng cảnh quan bền vững, tập trung ở cấp tỉnh và huyện; Tính bền vững và khả năng nhân rộng của dự án được đảm bảo thông qua nỗ lực điều phối, giám sát & đánh giá, tài liệu hóa và chia sẻ tri thức, truyền thông và vận động chính sách vùng và cấp quốc gia.