Núi Bà Rá (thị xã Phước Long), chùa Quang Minh (thành phố Đồng Xoài), chùa Sóc Lớn (huyện Lộc Ninh) là những điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng ở Bình Phước.
Núi Bà Rá
Núi Bà Rá thuộc địa phận hai phường Sơn Giang và Thác Mơ, thị xã Phước Long. Đồng bào S’Tiêng gọi ngọn núi này với cái tên thành kính là “Bơnom Brah” – “ngọn núi Thần”, trong khi đó, đồng bào Khmer gọi là núi ” Chân Phật”. Với độ cao 723m, địa hình hiểm trở, núi Bà Rá ghi dấu nhiều chiến tích anh dũng cũng như nhiều giai thoại, gắn liền các sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Núi Bà Rá nổi tiếng với dòng sông Bé uốn quanh co, với Thác Mẹ, Thác Mơ, với hệ thực vật đa dạng phong phú được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xếp vào hệ thống rừng đặc chủng của cả nước.
Từ Đồi Bằng Lăng, bước lên 1.767 bậc đá là lên đến đỉnh núi. Đường lên núi được bao phủ bởi một màu xanh của lá trúc, lồ ô, đặc biệt hai bên đường đi có nhiều cổ thụ khoảng vài trăm năm tuổi. Đứng trên đỉnh núi Bà Rá, du khách có thể nhìn thấy trung tâm thị xã Phước Long, thị trấn Thác Mơ và thuỷ điện Thác Mơ rộng 12.000 ha và được hòa mình vào không khí thiên nhiên, cảm nhận luồng gió mát lạnh từ hồ Thác Mơ thổi vào. Trên đỉnh có ngọn ăng ten của Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước, cao 48m. Ở đây còn có một miếu thờ Đức Phật thánh mẫu Thiên Hậu và bà chúa xứ (núi Bà Rá).
Núi Bà Rá còn có hang Dơi, hang bà Bảy Tuyết sâu, rộng. Đây là nơi ẩn trú của quân, dân ta trong suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và giờ đây trở thành điểm tham quan cho khách du lịch với không khí mát mẻ, nước suối trong xanh…
Chùa Quang Minh
Chùa được thành lập năm 1952, tọa lạc trên quốc lộ 14, Phường Tân Đồng, thành Phố Đồng Xoài. Ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ, đơn sơ do người dân trong vùng tự lập, để đáp ứng nhu cầu về một điểm tựa tâm linh. Vào năm 1990, chùa được trùng tu dưới sự chứng minh của ba vị hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Việt Nam bấy giờ là hòa thượng Thích Thiện Hào, hòa thượng Thích Trí Tấn Và Hòa thượng Thích Diệu Tâm. Vì là ngôi chùa duy nhất ở Đồng Xoài nên từ khởi thủy đã là điểm dừng chân hóa đạo của các vị sứ giả Như Lai như hòa thượng Thích Thiện Hòa, hòa thượng Thích Thắng Hoan, hòa thượng Thích Ngộ Chân Tử…
Năm 1996, Ni trưởng Nhật Khương được Ban Hộ tự bấy giờ mời về tiếp nhận chùa Quang Minh. Sau gần 30 năm về đây trụ xứ, ngôi chùa Quang Minh dần khởi sắc, trở thành một ngôi danh thắng đẹp giữa lòng thành phố Đồng Xoài.
Chùa tọa lạc trên gò đất cao với một cổng tam quan lớn mang kiến trúc tân cổ. Bên trong chùa được bài trí uy nghiêm, chính giữa điện thờ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. Đại sảnh với không gian rộng rãi và thoáng mát có sức chứa lên đến hàng trăm người. Lối kiến trúc tại đại sảnh khá lạ khi thiết kế cửa chính và cửa sổ nằm xen kẽ với nhau. Ngoài ra, chùa còn nổi bật với tòa tháp Tứ Ân. Trên đầu đỉnh tháp còn treo một quả đại hồng chuông với mong muốn mỗi khi tiếng chuông vang lên sẽ mang đến bình yên, ấm no cho mọi người.
Chùa Sóc Lớn
Chùa Sóc Lớn còn có tên Retchamaha Chettava NaRam (nghĩa là vị vua và là Thủy tổ của người Khmer), tọa lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Đây là ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, được xây dựng năm 1931 đến năm 1937. Năm 1972, trong chiến dịch Nguyễn Huệ, chùa bị trúng bom của đế quốc Mỹ và bị sập hoàn toàn. Phật tử và bá tánh cho lập một ngôi nhà tranh để thờ các bức tượng. Năm 1995, Đại đức Lý Sang đã vận động các phật tử cùng nhân dân đóng góp làm ngôi Sa La (nơi để sư dùng cơm và ở) như hiện nay.
Kiến trúc của chùa Sóc Lớn đã thể hiện được kiến trúc tổng thể của một ngôi chùa Khmer, bao gồm nơi dạy học, Sa La, chánh điện, tháp thờ đức Phật… Đây là ngôi chùa theo phái Phật Giáo Nam Tông nên tượng thờ hầu hết là tượng Thích Ca đã có từ năm 1937 trở về trước.
Chùa Sóc Lớn là nơi diễn ra các lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước, thu hút đông đảo phật tử khắp nơi. Các ngày lễ chính trong năm tại chùa Sóc Lớn gồm: Tết nguyên đán (mùng 4 tết), lễ Magha Puja – lễ Phật Định (15/1 âm lịch), Tết Chol Chnăm Thmây (14 – 16/4 dương lịch), lễ Visakha Puja – lễ Phật Đản (15/4 âm lịch), lễ khai giảng lớp học chữ Khmer hè (25/5 dương lịch), lễ Nhập Hạ (15/6 âm lịch), lễ Dolta báo hiếu – Vu Lan Khmer (15 – 30/8 âm lịch), lễ Mãn Hạ (15/9 âm lịch), lễ dâng y Kathina (20/9 âm lịch), lễ Oóc Om Bóc cúng trăng (15/10 âm lịch).
Ngày 15/12/2004, chùa Sóc Lớn đã được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016, chùa Sóc Lớn vào “Top 100 điểm du lịch văn hóa tâm linh được yêu thích” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức bình chọn.
Thế Đan
Bài viết liên quan: