Rác bít kín lối thoát nước, nhiều miệng cống bị lèn đá, đất cát ken đặc, thậm chí cỏ dại mọc um tùm khiến nước không thể thoát. Đây là một trong những nguyên nhân gây ngập tại TP.HCM sau những cơn mưa lớn.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại nhiều tuyến đường ở các quận huyện và TP Thủ Đức, các cống thoát nước bị “bức tử” với muôn cách thức.
Ngoài ngổn ngang túi nilông, chai nhựa, hộp xốp vứt quanh miệng cống; miệng cống còn bị bịt kín bằng gạch đá, ván gỗ, vải bạt…, thậm chí người dân còn tự cải tạo lại miệng cống thành lối để chạy xe từ đường lên vỉa hè.
Một người dân sống trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12 (một tuyến đường thường xuyên ngập do mưa) cho biết vì ống cống bốc mùi ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên bịt lại cho bớt mùi. “Quanh đây có rất nhiều miệng cống khác, bịt một ống này cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đâu”, người này lý giải về hành động của mình.
Còn tại đường Linh Đông, TP Thủ Đức có hàng chục miệng cống không còn lối thoát cho nước do đất cát bít bùng hay cỏ dại mọc um tùm.
Một số miệng cống khác nhầy nhụa dầu mỡ từ các quán ăn đổ xuống. Theo chia sẻ của các công nhân thoát nước, nhiều hầm ga tại các khu vực có nhiều quán ăn thường có dầu mỡ kết lại không tan khiến nước không thể chảy. Đây cũng là nỗi ám ảnh của anh em công nhân thoát nước vì dầu mỡ vừa hôi vừa khó xử lý.
Về vấn đề này, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM nhận định vấn nạn xâm lấn miệng thoát nước khiến trung tâm “nhức đầu” xử lý.
Phía trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức vận động người dân tham gia bảo vệ hệ thống thoát nước; không lấp, bít và bỏ rác thải ở các miệng thu nước để đảm bảo khả năng thoát nước; ngoài ra cũng tuyên truyền không xả rác và chất thải rắn xuống lòng các tuyến kênh, rạch để gây cản trở dòng chảy.
Trung tâm còn tăng cường kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp chế tài, xử lý đối với trường hợp cố tình xả rác làm tắc nghẽn hệ thống nhưng tình trạng trên vẫn còn tồn tại.
Bài viết liên quan: