Song song với sự phát triển kinh tế thì đảm bảo môi trường là việc phải làm. Khi có các dự án, chương trình thì TP phải triển khai ngay và luôn, vì càng để lâu càng phát sinh những hệ lụy, kinh phí khi thực hiện sẽ tăng…
* Nhiều dự án lớn về cải tạo kênh rạch, chống ngập vừa được HĐND TP thông qua, trong đó có hai dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm – Văn Thánh và kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên, ông có thể phân tích các điểm cần lưu ý về hai dự án này nói riêng và việc cải tạo kênh rạch tại TP.HCM nói chung?
– Có thể chia các dự án cải tạo kênh rạch tại TP làm 2 phần: dưới nước và trên bờ. Trước khi thực hiện cải tạo phải có báo cáo đánh giá tổng thể chứ báo cáo giám sát không thì chưa đủ.
Đối với vấn đề dưới nước tại rạch Xuyên Tâm – Văn Thánh thì phải chú ý vì ô nhiễm tại đây nhiều kim loại nặng nhưng công nghệ xử lý lại là bể lắng vi sinh. Do đó, việc xử lý phải nghiên cứu lại công nghệ xử lý, cải tạo xong phải gắn với mục tiêu bền vững chứ không để tái ô nhiễm. Dự án đã dùng dằng kéo dài nhiều năm nay và càng kéo dài càng tốn kinh phí.
Kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên có cao trình không xuôi về một phía. Dòng chảy của nó một hướng về Bình Tân, hướng còn lại đổ về Gò Vấp. Cần xác định rõ vấn đề này để đầu tư các công trình xử lý liên quan dọc theo chiều dài của con kênh.
Còn về trên bờ, việc làm đường dọc kênh, phía dưới làm cống hộp giúp cải thiện vấn đề giao thông và tăng mỹ quan đô thị, nâng cao đời sống người dân. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm là những ví dụ thực tế rõ ràng về việc này. Tuy nhiên, cần có sự linh động thay đổi kế hoạch để triển khai tùy vào tình hình thực tế. Việc triển khai dự án cũng phải gấp rút, đồng bộ; tránh việc lấy mặt bằng xong rồi để đó sẽ xuất hiện các bãi rác, bãi xà bần.
Còn đối với hàng loạt hệ thống kênh rạch khác thì 2 năm qua TP đã có sự phân cấp chống ngập và cải tạo kênh rạch rất thành công. Thời gian tới TP cần có thêm nhiều đề án nạo vét các kênh rạch đã lấp, khi khôi phục thì làm cống chìm, cống hộp để mặt bằng bên trên vẫn sử dụng được.
Trước đây tỉ lệ kênh rạch chiếm khoảng 12% diện tích tổng thể TP, nhưng nay chỉ có 3-4% là rất đáng ngại. Đặc biệt chú ý tại nhiều quận huyện ngoại thành thì vấn đề san lấp kênh rạch vẫn còn nhiều, TP phải quản lý chặt việc này.
* Vấn đề thu gom và xử lý rác thải cần chú ý điều gì trong thời gian tới, giải pháp nào để đảm bảo việc thu gom và xử lý rác thải đạt hiệu quả?
– Đối với hệ thống thu gom rác, trong những năm qua có tiến triển, tuy nhiên hiện vẫn chưa quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập. Đặc thù TP là nhà dân, cơ sở sản xuất xen cài do đó rác cứ lẫn lộn dẫn tới việc thu gom, phân loại rác gặp khó khăn.
TP đã phân cấp về quận huyện thì giờ nên phân cấp về phường xã, phải quản lý được các đường dây rác dân lập. Phường xã ký hợp đồng nguyên tắc với họ về phạm vi thu gom, loại rác thu gom để khi phát sinh những loại rác không thu gom được họ sẽ báo về, tránh việc thu gom lẫn lộn gây khó khăn cho phân loại, xử lý.
Công tác xử lý thì phải nâng vai trò quản lý nhà nước. TP tư nhân hóa một số bãi rác nên khi muốn thay đổi cách xử lý thì rất khó. Giai đoạn tới TP phải nâng tầm hơn vai trò các công ty công ích chứ không khoán trắng cho tư nhân trong việc xử lý rác. Các đơn vị công ích thì TP có thể điều phối được, còn tư nhân thì khó.
Đối với hạ tầng xử lý rác, TP.HCM có cơ chế đặc thù do đó có thể điều chỉnh phát sinh theo tình hình TP. Những công trình tạm ngoài quy hoạch có thể tháo dỡ khi không cần nữa hoặc chuyển tới những chỗ khác để tránh lãng phí.
* Vậy còn trong lĩnh vực quan trắc môi trường nói chung và quan trắc không khí nói riêng, ông góp ý gì khi TP.HCM – một TP lớn nhất nước mà việc quan trắc không khí vẫn làm thủ công?
– Theo tôi, TP phải quyết liệt trong công tác đầu tư hệ thống quan trắc tự động, chú ý các điểm như trường học, bệnh viện, khu ĐHQG, khu dân cư. Không thể dựa vào việc đấu thầu thuê đơn vị ngoài làm, đây là vấn đề sống còn đối với người dân. Khi có sự cố môi trường mà không có hệ thống quan trắc tự động sẽ khó xử lý kịp thời.
Những sự cố môi trường không dễ xảy ra nhưng khi xảy ra sẽ diễn biến rất nhanh và không kịp trở tay. Người dân nghe đầu tư hệ thống quan trắc tự động nhưng nhiều năm nay chưa hoàn thành. Các thiết bị quan trắc giờ không đắt, nặng ở chỗ đầu tư hệ thống phân tích dữ liệu, đấu nối. Nhưng TP.HCM phải đầu tư gấp chứ một đô thị lớn mà quan trắc còn chưa chủ động được thì rất khó. Nếu TP quá tải có thể giao về cho các quận huyện làm, TP chỉ cần đấu nối dữ liệu về trung tâm xử lý, từ đó có những thông tin cho người dân được biết.
Quản lý thu tiền rác bằng phần mềm
Đó là giải pháp công nghệ mà quận Gò Vấp đang nghiên cứu, áp dụng từ năm 2022. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng tài nguyên và môi trường quận cho biết quận đưa ra giải pháp áp dụng mô hình quản lý thu tiền rác thải đơn vị thu gom, hợp đồng thu gom, chủ nguồn thải… và quản lý rác thải trên phần mềm có tên GRAC.
Thời gian trước, các đơn vị thu gom rác (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, hợp tác xã hoặc công ty doanh nghiệp tư nhân) quản lý số liệu danh sách các hộ dân chủ yếu trên sổ sách giấy tờ, thậm chí bằng hình thức ghi nhớ. UBND phường quản lý và báo cáo về quận trên file Exel. Hình thức thu tiền rác là tới tận chủ nguồn thải (hộ gia đình và ngoài hộ gia đình) để thu tiền.
Thông qua phần mềm GRAC giúp quản lý đơn vị thu gom rác, quản lý chủ nguồn thải qua số nhà, số điện thoại, số tiền rác chủ nguồn thải đóng hằng tháng, quản lý việc thu tiền rác của đơn vị thu gom và kiểm tra được việc thông tin phản ảnh từ người dân về chất lượng vệ sinh… Phần mềm còn giúp kết nối chính quyền với đơn vị thu gom, UBND quận, phường quản lý được việc thu gom rác và thu tiền rác của các đơn vị thu gom, tránh loạn giá thu gom rác. Dữ liệu được quản lý vận hành trên đám mây điện tử nên hạn chế tiếp xúc giấy tờ, báo cáo trao đổi trực tiếp.
Người dân, đơn vị thu gom và cơ quan quản lý nhà nước (UBND quận, phường…) truy cập nhanh chóng và đơn giản qua website hoặc trên ứng dụng điện thoại di động. Mỗi khách hàng sẽ có mã định danh riêng biệt. Việc áp dụng mô hình quản lý và thu tiền rác góp phần mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động thu gom rác trên địa bàn quận, đặc biệt trong công tác thu phí, thuế, thu nộp về ngân sách nhà nước.
Bài viết liên quan: