Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường.
Tại cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch xử lý các điểm ô nhiễm, ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, từ năm 2017 đến nay, cơ quan này đã tập trung đẩy mạnh công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường. Đồng thời chủ động, khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện các hoạt động kiểm tra, khắc phục, xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường, tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng, dư luận.
Tổng cục Môi trường đã chỉ đạo Cục Bảo vệ môi trường triển khai giám sát chặt chẽ theo 3 khu vực miền Bắc, khu vực miền Trung – Tây Nguyên, khu vực miền Nam.
Trong giai đoạn 2011-2020, Tổng cục Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để triển khai 3 đề án lưu vực sông (sông Cầu, sông Nhuệ – Đáy, hệ thống sông Sài Gòn- Đồng Nai). Cơ quan này đã trình lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả triển khai các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông, trong đó đã nêu bật các kết quả đã đạt được và tồn tại hạn chế cần khắc phục.
Dù vậy, qua theo dõi công tác năm 2021, Tổng cục Môi trường nhận thấy vấn đề bảo vệ môi trường nước tại các lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực sông lớn vẫn là vấn đề được các đại biểu Quốc hội, cử tri đặc biệt quan tâm và có nhiều chất vấn.
Kết quả quan trắc ghi nhận, đa phần các lưu vực sông lớn như sông Hồng – Thái Bình và sông Mã – Chu, sông Cả – La, sông Vu Gia -Thu Bồn và sông Mê Công duy trì ở mức tốt đến rất tốt. Nhiều sông, đoạn sông, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. Kết quả quan trắc trung bình qua mỗi điểm quan trắc không có nhiều biến động bất thường.
Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn đang tiếp diễn trên các đoạn sông chảy qua khu vực tập trung dân cư, khu vực làng nghề, khu vực hoạt động sản xuất công nghiệp (đoạn sông Cầu trước khi vào TP Thái Nguyên; đoạn sông Nhuệ qua địa phận Hà Nội).
Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước tập trung trên các lưu vực sông ở khu vực phía Bắc (sông Nhuệ – Đáy, sông Cầu) và phía Nam (sông Đồng Nai). Tình trạng ô nhiễm qua các đợt quan trắc trong năm và chưa có dấu hiệu được cải thiện, điển hình như ô nhiễm trên các sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét ở Thủ đô Hà Nội; sông Cầu chảy qua địa phận Bắc Ninh – Bắc Giang; sông Bắc Hưng Hải; kênh Tân Hóa – Lò Gốm, kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, kênh Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuật ở phía Nam.
“Ô nhiễm trên các lưu vực chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng. Phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận chưa có dấu hiệu ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật”- đại diện Tổng cục Môi trường thông tin.
Ông Hoàng Văn Thức cho biết, thời gian tới Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động giám sát về môi trường đối với các cơ sở, dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đảm bảo các dự án vận hành, hoạt động an toàn về môi trường. Trong năm 2022 sẽ thực hiện giám sát theo kế hoạch được duyệt dự kiến 2 đợt/năm (chưa bao gồm các đợt giám sát đột xuất).
Cơ quan môi trường cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp, phương án để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đối với khu vực dân cư phân tán; tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước làng nghề, các cơ sở sản xuất có nguồn thải ra sông…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường tập trung xây dựng quy định về tiêu chí đánh giá cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao để thống nhất áp dụng trên cả nước.
Để tiếp tục giám sát có hiệu quả đối với các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trong thời gian tới, ông Nhân yêu cầu tăng cường hiệu quả và nhân rộng mô hình tổ giám sát có sự kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư.
Theo ông, Tổng cục Môi trường phải tăng cường việc ứng dụng, khai thác công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát nguồn thải thông qua việc xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu để khai thác nhanh chóng thông tin nguồn thải, số liệu quan trắc tự động, cảnh báo sự cố, xây dựng các bản đồ phân bố nguồn thải để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý môi trường.
Tổ chức ngay đoàn công tác làm việc với một số tỉnh miền Trung về các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các cảng cá và các vấn đề môi trường nổi bật khác nhằm thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khắc phục…
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-diem-nong-o-nhiem-moi-truong-gay-dau-dau-co-quan-quan-ly-20220508211947728.htm
Bài viết liên quan: